Chờ...

Luật Đất đai năm 2013: Gỡ khó cho nông dân

(VOH) - Luật Đất đai năm 2013 gồm 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật đất đai năm 2003. Nội dung của Luật đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Đây là cơ sở mà UBND TPHCM đang khẩn trương tranh thủ để gỡ khó cho những vướng mắc mà bà con nông dân gặp phải hiện nay.

Luật Đất đai năm 2013 với những thay đổi, điều chỉnh từ Luật Đất đai năm 2003 đã quy định một cách cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của Nhà nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp; tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường. Đây là điểm mấu chốt mà những người như chị Lê Hà Mộng Ngọc - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất thương mại nông sản Nấm Việt ở huyện Củ Chi có thể kỳ vọng để giải quyết trăn trở của mình: "Thủ tục hồ sơ giấy tờ để xác lập tài sản trên đất nông nghiệp rất khó nên chúng tôi muốn có một cơ chế hoặc là chính sách, thủ tục gì đó đơn giản, dễ làm để làm nông nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn khi chúng tôi làm tại khu đất đã được phép rồi thì cho chúng tôi chuyển thành đất nông nghiệp công nghệ cao hoặc đất nông nghiệp khác. Và làm thủ tục xác lập tài sản nhà xưởng, văn phòng, nhà cửa, cây trồng trên đất đó để sau này cầm giấy tờ vay ngân hàng có giá trị hơn".

Một ý kiến đến từ anh Đồng Văn Út - Chủ nhiệm CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn nhấn mạnh tới việc nhu cầu sử dụng đất của bà con đang bị “đóng băng” bởi những dự án quy hoạch treo dài hạn: "

Nhu cầu về đất, một số công ty hay những nơi chiếm hữu đất rất rộng lớn mà lại không hiệu quả. Tại sao mình không thu hồi về phân phối tại các xã có nhu cầu, để người dân khỏi phải đi thuê mướn này nọ".


Ảnh chỉ có tính minh họa Nguồn: DĐDN.

Có thể nói, bức xúc bởi các dự án quy hoạch treo dường như là mẫu số chung của hầu hết bà con hiện nay. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết hiện còn hơn 123.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định trong Luật Đất đai 2003. UBND TP nhiều lần kiến nghị Trung ương tháo gỡ và đến nay rất nhiều trường hợp đã được chấp thuận. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín tại kỳ họp HĐND trong tháng 07/2014 vừa qua đã khẳng định: Thu hồi là thu hồi về chủ trương để thực hiện tiếp các dự án, để người dân được tiếp tục thực hiện các quyền của mình chứ Nhà nước không thu hồi đất về cho Nhà nước. Khi chưa triển khai quyết định thu hồi đất thì quyền lợi của người dân vẫn được tiếp tục được thực hiện. Chủ tịch UBND 24 quận huyện nếu không thực thi chủ trương này sẽ bị kỷ luật. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: "

Đã triển khai mời tất cả các địa phương lên để hướng dẫn thực hiện. Nhưng có một số địa phương lãnh đạo không đi cử cán bộ đi cho nên không tiếp thu, quán triệt tinh thần này, khi về triển khai thực hiện lại yếu. Thế thì cán bộ mình không biết, làm sao dân biết được! Đây là vấn đề ở khâu tổ chức thực hiện. UBND TP chỉ đạo kiểm tra ở những ngành nào, địa phương nào triển khai chưa đúng, chưa đủ, chưa tốt để chấn chỉnh kịp thời và tiếp tục tiếp thu ý kiến trên tinh thần cầu thị để làm sao nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh ngay khâu tổ chức thực hiện này".

Một vướng mắc khác cần sớm được tháo gỡ là Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn quy định chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng hoa màu hoặc nuôi trồng thủy sản. Thông tư được áp dụng chung cho cả nước nhằm mục đích phục vụ cho việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, điều này vô tình lại trở thành rào cản khi TPHCM chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị. Nghĩa là nếu trong nội dung chuyển đổi ghi chẳng hạn như “làm nông nghiệp công nghệ cao”, “làm du lịch sinh thái”... thì sẽ trái quy định. Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó trưởng Ban tổ chức Hội nông dân TPHCM kiến nghị: "

Có những trường hợp đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố khi chuyển đổi không được, ghi trong sổ đỏ là hai lúa thì không chuyển đổi được. Nếu như ở Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Bình Tân, Gò Vấp, quận 12 đất ruộng ghi là hai lúa mà chuyển qua các đất nông nghiệp khác thì không được. Hồ sơ như vậy là bà con muốn chuyển đổi để sản xuất thì không được. Thông tư 47 này là chung nên đòi hỏi phải có Nghị quyết của HĐND, chứ nếu không chúng ta sẽ có cái khó".

Hiện tại, UBND TP yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật Đất đai 2013; tạo những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất. Theo đó, các Sở, ngành chức năng cần mở đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật Đất đai; kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố phù hợp với Luật Đất đai khi lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020. Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM lưu ý: "

Cần phải xem kỹ quy định 7 loại đất không được cấp giấy quyền sử dụng đất để chúng ta tuyên truyền, hướng dẫn giúp nông dân, đất như thế nào được chuyển quyền, đất nào được sử dụng thì quy định rõ. Luật Đất đai sửa đổi tôi thấy nhiều nông dân, nông dân ở tỉnh cho rằng đây là cơ hội để giúp cho nông dân vươn lên".

Trong thời gian tới, dựa trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, TPHCM cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; nghiêm túc thực hiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện điều tra về đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: "Có lẽ chưa có Luật nào mà các văn bản hướng dẫn thực hiện nhanh như vậy. Chúng tôi hy vọng qua đây, người dân, doanh nghiệp sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các văn bản, từ Luật đất đai 2013 đến các văn bản hướng dẫn thi hành. Và quá trình thực hiện này tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều vấn đề mà người dân, doanh nghiệp cần hỏi các cơ quan soạn thảo văn bản này, các cơ quan quản lý từ Sở cho đến Bộ. Có rất nhiều vấn đề cần phải xử lý, nhất là trong vấn đề đất đai".

Phải cần thêm thời gian để Luật Đất đai năm 2013 thật sự đi vào đời sống, sản xuất của người dân và chứng minh hiệu quả của nó. Những thay đổi, điều chỉnh cần thiết đã được thực hiện là kết quả nỗ lực “vun đắp” của Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành cùng nhân dân cả nước. Do vậy, không riêng gì tại TPHCM, bên cạnh những thách thức và khó khăn, chúng ta cần khẳng định đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ, nhằm góp phần đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển ổn định hơn, bền vững hơn.

Bình luận