Chờ...

Quốc hội xem xét, thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng và Luật cư trú

(VOH) - Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, sáng nay 8.6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mở đầu phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng, dự án sửa đổi Luật thi đua khen thưởng có thêm quy định bổ sung danh hiệu vinh dự nhà nước, tỉnh anh hùng, thành phố anh hùng để tặng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thành tích, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn khen thưởng, đảm bảo tính chặt chẽ các tiêu chuẩn khen thưởng cho các danh hiệu theo hướng cụ thể hơn, nhấn mạnh tính đặc biệt xuất sắc của một số các tiêu chí.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Các nội dung được đại biểu tập trung góp ý là về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; về bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú; về thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú, về thời gian của sổ tạm trú. Góp ý vào từng nội dung cụ thể, về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định ngoài việc có chỗ ở hợp pháp thì công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú ít nhất là 1 năm, nếu đăng ký thường trú và huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc 2 năm nếu đăng ký thường trú vào quận nội thành của các thành phố này; đa số các đại biểu thống nhất với thời hạn đăng ký thường trú quy định như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, nên bỏ quy định người đăng ký thường trú phải có sự đồng ý bằng văn bản của người cho mượn, cho ở nhờ vì không phù hợp với quyền tự do cư trú của công dân, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị:


Về công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo luật quy định theo hướng, ngoài việc có chỗ ở hợp pháp còn phải có điều kiện về diện tích bình quân theo quy định, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ tán thành phương án giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định định mức diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố lớn. Tuy nhiên, việc quy định diện tích tối thiểu không nên nêu cụ thể như trong dự thảo Luật mà nên giao cho các thành phố trực thuộc trung ương quyết định:

Nhiều đại biểu quốc hội cũng đồng tình với quy định thời gian tạm trú là 1 năm, nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã trực thuộc trung ương hoặc 2 năm nếu đăng ký thường trú vào quận nội thành của các thành phố, quy định này nhằm giảm lượng dân cư vào nội thành gây ra những hệ lụy xã hội khác. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, các địa phương cần có kế hoạch phân bổ dân cư phù hợp, di chuyển các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành để giảm mật độ dân cư ở thành phố lớn. Về thời hạn của sổ tạm trú, đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) đề nghị, cần rút ngắn thời hạn cho đăng ký tạm trú xuống còn 12 tháng thay vì 24 tháng như trong dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý tạm trú chặt chẽ hơn:


Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi bổ sung Luật cư trú lần này đều liên quan đến những nội dung quan trọng, liên quan đến quyền của công dân, vì vậy cần lưu ý quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và cần bám sát dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành và các dự án luật khác có liên quan. Vào buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng và dự án Luật việc làm. 

Bình luận