Chờ...

Tin nóng trưa 9/6: Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá

(VOH) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng sách giáo khoa là trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT nhưng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính về quản lý giá sách giáo khoa.

Đại biểu cũng nhắc lại hơn 2 năm trước, Ủy ban Văn hóa giáo dục, Bộ GD-ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhưng đến nay bộ chưa hoàn thành, cũng như cho biết khi nào bộ sẽ hoàn thành kiến nghị.

Tin nóng trưa 9/6: Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá
Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền quyết định giá là của các nhà xuất bản ra sách giáo khoa. Việc đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật giá là thẩm quyền của Quốc hội.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo đúng quy định của pháp luật về giá và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

TPHCM làm việc với Ngân hàng Thế giới về phát triển buýt BRT

Trong tuần này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan sẽ có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới liên quan dự án phát triển giao thông xanh TPHCM. Đây là một trong những dự án trọng điểm về giao thông công cộng có tổng vốn đầu tư 137,5 triệu USD (trong đó 124 triệu USD sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và 13,5 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của TP).

Dự án có nhiệm vụ chính là xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 23km. Tuyến buýt này sẽ sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch (CNG hoặc xe điện), có đầy đủ dịch vụ WiFi, hệ thống soát vé thông minh có tích hợp với metro trong tương lai. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong năm nay.

Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối Việt Nam

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm. Riêng mặt hàng chuối, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn trong 5 tháng đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.

Tin nóng trưa 9/6: Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá 2
Ảnh minh họa.

Ông Nguyên nhận định trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam, do diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào; ảnh hưởng của dịch bệnh Panama khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc...

Giá vàng hôm nay (9/6): Giá vàng trong nước vẫn đang bán trên 69 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (giờ Việt Nam) tiếp đà tăng có được trong phiên giao dịch ngày trước đó. Theo ghi nhận của Báo Quân đội nhân dân, giá vàng giao ngay niêm yết tại Kitco lúc 6h00 sáng ngày 9/6 (giờ Việt Nam) ở mức 1.855,1 USD/ounce, tăng 7,1 USD so với rạng sáng cùng ngày. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã tăng 5,9 USD lên mức 1.860,4 USD/ ounce.

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay tiếp tục biến động nhẹ khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh nhẹ hoặc giữ nguyên mức giao dịch của rạng sáng ngày trước đó. Hiện tại, vàng trong nước đang mua vào trên 68 triệu đồng/ lượng và bán ra trên 69 triệu đồng/ lượng. Giá vàng DOJI tại khu vực TP Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều lên lần lượt 68,9 triệu đồng/ lượng mua vào và 69,6 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại Hà Nội, vàng DOJI đang mua vào mức 68,65 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 69,55 triệu đồng/ lượng, tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều so với sáng ngày trước đó. 

Bình Phước: Người đàn ông tử vong nghi do ngộ độc sau khi ăn cá lóc

Hôm nay 9/6, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an H.Bù Đăng khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Thanh Tuấn (46 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Bù Đăng). Nạn nhân tử vong nghi do ngộ độc sau khi ăn cá lóc để lâu không bảo quản.

Trước đó ngày 6/6, ông Tuấn mua cá lóc về, tổ chức ăn nhậu với bạn. Sau cuộc nhậu, số cá lóc ăn không hết, ông Tuấn cất lại trong tủ thường (không bảo quản). Đến chiều 7/6, ông Tuấn tiếp tục lấy số cá lóc còn lại hôm trước mang ra nướng lại để ăn. Sau khi ăn xong, ông này có biểu hiện nôn ói nhiều lần, sau đó đi cầu ra máu.

Thi thể ông Tuấn được đưa về nhà chuẩn bị mai táng.
Thi thể ông Tuấn được đưa về nhà chuẩn bị mai táng.

Thấy ông Tuấn bị ngộ độc nặng, đêm 7/6, người nhà đưa ông Tuấn đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng, đến trưa 8/6 thì ông này đã tử vong. Hiện nguyên nhân người đàn ông tử vong nghi do ngộ độc sau khi ăn cá lóc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tiền Giang: Xe giường nằm đang chạy trên QL1 văng bánh vào nhà dân

Đang lưu thông trên Quốc lộ 1, xe giường nằm bất ngờ văng bánh sau vào nhà dân ven đường thuộc H.Châu Thành, Tiền Giang khiến nhiều người trải qua một phen hú vía. Theo người dân chứng kiến vụ việc, khoảng 6 giờ ngày 9/6, xe giường nằm BS 51B - 409.47 do tài xế Lê Bảo Khanh (45 tuổi, ngụ H.Tân Hồng, Đồng Tháp) điều khiển chở nhiều hành khách lưu thông trên Quốc lộ 1, theo hướng từ TP.HCM về miền Tây.

Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Long An, H.Châu Thành (Tiền Giang), bánh sau phía bên tài xế của xe giường nằm bất ngờ văng ra ngoài, lăn vào cửa nhà một nhà dân ven đường. Sau khi xảy ra sự cố, gầm xe bị cày xuống đường làm giao thông ùn ứ.

Bước đầu, tài xế Khanh cho hay, xe đang chở hành khách khởi hành từ Bình Dương đi về Đồng Tháp, nhưng đến đoạn đường trên thì gặp sự cố. Rất may không có ai bị thương. Nhận được tin báo, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đã kịp thời có mặt phối hợp Công an xã Long An điều tiết giao thông và hỗ trợ tài xế xe giường nằm khắc phục sự cố.

TIN THẾ GIỚI

Nhiều nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid cuối tháng 6 này. Ngoài ra, Thụy Điển, Phần Lan, Australia, New Zealand và Hàn Quốc cũng xác nhận tham dự hội nghị.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản hồi tuần trước tiết lộ Thủ tướng nước này Kishida Fumio cũng có kế hoạch dự Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Nếu kế hoạch này được thực hiện, ông Kishida sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh của NATO.

Đức tăng cường biện pháp dự phòng trong trường hợp thiếu khí đốt

Mới đây, Chính phủ Đức đề xuất Quốc hội nước này ban hành một dự luật mới nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong trường hợp nguồn cung khí đốt đột ngột bị gián đoạn.

Theo dự luật, Đức sẽ thiết lập "dự trữ thay thế khí đốt" cho tới ngày 31/3/2024. Theo đó, các nhà máy điện chạy bằng dầu, than cứng hoặc than non đã được lên kế hoạch đóng cửa vào năm 2022-2023 sẽ có thể tiếp tục hoạt động nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được thực hiện như tăng cường dự trữ than chiến lược, các nhà khai thác mạng lưới điện có thể linh hoạt lựa chọn và đưa vào hoạt động những nhà máy điện nào cần thiết.

Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ sớm xem xét và phê chuẩn dự luật này.

Vượt 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ngoài khu vực châu Phi

Hôm qua 8/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có hơn 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại những quốc gia mà căn bệnh này không phải là bệnh đặc hữu. 

Theo WHO, những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, ở những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Trên thực tế đã có hơn 1.400 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay ở châu Phi và 66 ca tử vong.

Giới chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ và phương pháp điều trị, cũng như nghiên cứu về dịch tễ học và sự lây truyền của virus gây bệnh.

Trung Quốc: hỗ trợ người dân khó khăn vì Covid-19

Chính phủ Trung Quốc mới đây quyết định trợ cấp một lần cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này bước đầu kiểm soát hiệu quả làn sóng dịch lớn nhất, tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Trung Quốc yêu cầu các địa phương đơn giản hóa và tối ưu hóa quy trình xét duyệt, để nâng cao tính kịp thời và khả năng tiếp cận đối với khoản trợ cấp. Đa dạng hóa các phương thức trợ cấp như cấp phát nhu yếu phẩm, tiền mặt và cung ứng dịch vụ, bảo đảm đúng và trúng đối tượng. Đồng thời, theo dõi sát biến động giá cả, để kịp thời điều chỉnh mức trợ cấp xã hội và an sinh cho phù hợp.

Nhà máy điện mặt trời đầu tiên trong vũ trụ

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời trong không gian vào năm 2028, truyền điện không dây từ độ cao 400 km. 

Theo kế hoạch mới, một nhà máy điện mặt trời cỡ lớn trong không gian sẽ được xây dựng theo 4 giai đoạn. Hai năm sau lần phóng đầu tiên, chương trình sẽ đưa một vệ tinh khác mạnh hơn tới quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất 36.000 km để tiến hành nhiều thí nghiệm hơn. Nhà máy điện 10 MW sẽ bắt đầu truyền điện để phục vụ quân sự và dân sự vào năm 2035. Đến năm 2050, công suất điện của nhà máy sẽ tăng lên 2 gigawatt, tương đương nhà máy điện hạt nhân với chi phí phải chăng về mặt thương mại.

* Nội dung được phát sóng trong  “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/

Bình luận