Chờ...

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 41, chiều 09/01, UBTVQH thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm PL.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL

Toàn cảnh phiên họp

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Trình bày báo cáo về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị giữ quy định về lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay. Một số ý kiến đề nghị đổi mới công tác lập Chương trình theo từng kỳ họp Quốc hội. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của Quốc hội trong việc quyết định chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để các cơ quan trình làm căn cứ cho việc soạn thảo dự án.

Về vấn đề này, trong quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án. Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua như ý kiến của các ĐBQH nêu một phần là do quy trình lập Chương trình có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp, nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Do đó, không nên thay đổi quy trình, mà trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với đánh giá về những hạn chế trong lập và triển khai Chương trình phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện; tuy nhiên cũng đề nghị nghiên cứu tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, làm rõ hơn trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc cho ý kiến, thông qua chính sách trong các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình để làm cơ sở cho cơ quan trình tiến hành việc soạn thảo.

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy trình lập Chương trình như hiện nay mới được sửa đổi và thực hiện trong thời gian ngắn. Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình tuy thống nhất với quy trình hai bước trong lập Chương trình, nhưng để thực hiện được thì đòi hỏi Quốc hội phải bố trí lượng thời gian lớn hơn nhiều cho việc xem xét, cho ý kiến đối với các chính sách này khi thông qua Chương trình, như vậy sẽ không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, có thể tiếp thu ý kiến ĐBQH nhằm đổi mới một bước công tác thẩm tra, cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy trình xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp Quốc hội cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình lập dự kiến Chương trình, cụ thể như sau: Sửa đổi quy định trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải có “Đề cương chi tiết dự thảo luật, pháp lệnh” (thay cho Đề cương như hiện nay), trong đó thể hiện rõ những chính sách được đề xuất (điểm đ khoản 1 Điều 37); Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra về sự cần thiết ban hành, các chính sách trong từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực phụ trách trước khi gửi đến Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 47); Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về nội dung chính sách khi xem xét các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 48); Bổ sung quy định cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH trong quá trình lập Chương trình để soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan trình dự án, các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, làm đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng quy định của Luật.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về lập Chương trình xây dựng pháp luật nên giữ như hiện nay, tuy nhiên nên đi vào chiều sâu. Tất cả những sáng kiến, đề xuất chính sách, pháp luật muốn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần phải có đề cương, trong đó phải giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống, những vấn đề trong thời buổi hội nhập và thể hiện được tư duy phát triển.

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Trong hai khóa vừa rồi xuất phát việc các luật phát sinh đột xuất do yêu cầu hội nhập và đòi hỏi thực tế, vì vậy Quốc hội phải linh hoạt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tại Kỳ họp vừa rồi có nhiều luật bổ sung khiến thời gian họp phải kéo dài quá mức. Khi chương trình kỳ họp đã bổ sung quá nhiều dự án luật, trong đó có nhiều nội dung cần nhiều thời gian để Quốc hội xem xét, thảo luận thì chúng ta nên có sự linh hoạt theo hướng: với những luật nào dù đã chuẩn bị rồi nhưng nếu chưa thực sự cấp thiết thì có thể chuyển sang kỳ họp sau.

Đối với các vấn đề về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản; mở rộng hình thức nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch; về lập đề nghị xây dựng một số nghị định, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; xây dựng văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; việc quy định thủ tục hành chính và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật…, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với hướng xử lý như Chính phủ đề xuất và có góp ý thêm về một số vấn đề cụ thể khác. Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học… để tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sau khi Luật được thông qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ về việc các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình làm luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Từ trước đến nay chúng ta đều thấy luật có hiệu lực mà văn bản hướng dẫn chưa ban hành khiến Luật chậm đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và cần được làm rõ.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bước đầu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiển của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để chuẩn bị thật tốt dự án Luật này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tiếp theo./.

Nguồn: Quochoi.vn 

Hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng vé xe, vé tàu cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết - Tối 9/1, tại Khu chế xuất Tân Thuận, Công đoàn các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM tổ chức chương trình "Tấm vé nghĩa tình" trao vé cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận và đánh giá kết quả “Năm dân vận chính quyền” 2019 - Thủ tướng đánh giá các ngành và địa phương đã cùng với các cơ quan của Đảng, của MTTQ, Ban Dân vận Trung ương để làm nên một “Năm dân vận chính quyền” thành công.
Bình luận