Chờ...

GRAC: Vì một đô thị không rác

(VOH) - GRAC, viết tắt của cụm từ “gom rác” là ứng dụng trên hai nền tảng web và thiết bị di động quản lý rác thải thông minh.

Phần mềm có nhiều tiện ích cho người dùng như thanh toán tiền rác online, theo dõi lịch trình thu, vị trí phương tiện thu gom, mạng lưới ve chai công nghệ, trao đổi đồ cũ, hướng dẫn thực hiện phân loại rác, gửi phản ánh vệ sinh môi trường…Đây có thể được xem là là ứng dụng đầu tiên trên thị trường trong vấn đề kết nối việc đổ rác, góp phần thúc đẩy người dân hình thành và phát triển thói quen phân loại rác tại nguồn. Đó là giải pháp sáng tạo của anh Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường thành phố, đồng thời là người sáng lập và điều hành Dự án GRAC.  

Anh Nguyễn Trọng Minh người sáng lập và điều hành Dự án GRAC
Anh Nguyễn Trọng Minh người sáng lập và điều hành Dự án GRAC

Anh Nguyễn Trọng Minh nhớ lại, ban đầu khi Thành phố triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, có mời anh và một số đội ngũ bên trung tâm đi tuyên truyền cho người dân về phân loại rác. Hiệu quả của việc tuyên truyền vẫn tốt, tuy nhiên đi vào thực hiện, hành động thì lại vướng nhiều khó khăn. Vì vậy, anh suy nghĩ là mình cần làm một web hay ứng dụng để cho người dân có thể phân loại rác thông qua ứng dụng thì tốt hơn. Từ ý tưởng ban đầu như vậy, anh mới suy nghĩ thêm, liệu ứng dụng của mình chỉ có mỗi hoạt động phân loại rác thì ứng dụng có sống nổi không? Sau đó một thời gian, khi tham gia vào các mô hình thu gom rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: từ việc phân loại rác, từ mô hình thu gom rác. “Ví dụ, mô hình thu gom rác tại Thành phố chia làm hai hệ thống, một là hệ thống các công ty công ích, lực lượng thứ hai chiếm 60% là hệ thống thu gom rác dân lập, do cá nhân đầu tư và đi thu gom. Đối tượng cá nhân này hiện nay nhà nước cũng chưa quản lý giống như cách quản lý các công ty công ích được. Chính vì vậy, mình và cộng sự bàn kế hoạch làm ra một phần mềm tích hợp ứng dụng, để người dân phân loại rác. Thứ hai, chính quyền nắm được thông tin của lực lượng thu gom rác, nắm được thông tin của các hộ dân, hộ dân nào có ký hợp đồng, hộ dân nào có phát sinh rác nhưng không đóng tiền rác – chứng tỏ họ đổ rác không đúng quy định tại địa phương của họ” – Trọng Minh nhớ lại lý do ra đời ứng dụng GRAC.

Ứng dụng GRAC có những tiện ích nổi bật nào? - Tiện ích đầu tiên mà nhà nước quan tâm, đó là phân loại rác. Do đó, theo anh Trọng Minh, tiện ích đầu tiên của ứng dụng là giúp cho người dân biết phân loại rác. Thứ hai, dữ liệu của hộ dân đóng tiền rác, cũng giống như tiền nước tiện điện, sắp tới bắt buộc phải ký hợp đồng, đưa vào dữ liệu và dữ liệu này được tải lên phần mềm. Chính quyền địa phương như Ủy ban nhân dân phường chẳng hạn, họ sẽ nhìn thấy danh sách hộ dân khi có phần mềm sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn. Tính năng thứ ba là tính năng thu tiền rác qua ví điện tử. Trọng Minh cho hay: “Hiện nay, dự án đang thí điểm, ký hợp đồng với ví điện tử Viettel Pay. Họ kết hợp với bên mình để thu thí điểm một số khu vực, một số hộ gia đình. Nghĩa là người dân nhập mã đơn hàng, nhắn số tiền rác. Tuy nhiên, do giá tiền rác khá là thấp, hai nữa là hộ dân chưa quen với việc sử dụng ví điện tử để mà thanh toán, cho nên tính năng này mới thí điểm. Trong tương lai, tính năng thanh toán tiền rác qua ví điện tử và hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt”.

Anh Trọng Minh cho hay, hiện mục tiêu của nhóm hoạt động là làm sao để thúc đẩy vấn đề là làm sao người dân hành động từ những chiến dịch riêng. Do dự án GRAC có phạm vi triển khai rộng. Đơn cử ở Hà Nội, GRAC đang triển khai tặng đồ qua hệ thống Group của Facebook có tên “GRAC tặng đồ và thu gom ve chai tận nhà”, triển khai trước ở Hà Nội. Còn Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đang chạy mảng ve chai công nghệ: thuyết phục những người thu gom ve chai vào hợp tác xã để họ có pháp nhân. Thứ hai là họ sẽ sử dụng công nghệ phần mềm để coi người dân đăng tải phế liệu ve chai lên phần mềm, người thu gom và người đăng tải ve chai sẽ thỏa thuận giá tiền ngay trên phần mềm cho vỏ lon bia, giấy chẳng hạn…các tỉnh, như Hội An, cuối tháng 5 vừa qua, nhóm ra Hội An bàn giao phần mềm để triển khai thử trên địa bàn. Phần mềm được cung cấp miễn phí cho địa phương này sử dụng. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đang chạy ở quận 3 trước: đó là hợp tác xã môi trường quận 3. Tuy nhiên, phần mềm muốn chạy tốt phải có dữ liệu. “Để có dữ liệu bên mình đang làm hợp đồng tại các phường nên có phần hơi chậm. Ví dụ, dữ liệu của một số phường được nhập lên phần mềm, sau đó sẽ quản trị hệ thống thu gom rác trên phần mềm” – Anh Trọng Minh kỳ vọng.

Bình luận