Chờ...

Đào tạo trực tuyến (Kỳ 1) : Phá bỏ rào cản giáo dục 'truyền thống'

(VOH) - Nhờ công nghệ thông tin, ngày nay mỗi người sở hữu thiết bị công nghệ có kết nối mạng: điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop….đều dễ dàng tiếp cận vô vàn kiến thức trên thế giới.

Vì vậy, con người có thể lĩnh hội kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ giới hạn ở trường học truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều trường đại học đã và đang ứng dụng E-learning – đào tạo trực tuyến vào chương trình đào tạo.

Trên thế giới, đào tạo trực tuyến là xu thế toàn cầu, giúp kéo gần khoảng cách chinh phục tri thức cho con người. E-learning chính là mô hình giáo dục đem đến cơ hội học tập cho cộng đồng trong thế kỷ 21. 

Ngày nay, hầu hết các trường đều ứng dụng e-learning trong quá trình đào tạo, thông qua nhiều phương thức khác nhau song song với đào tạo truyền thống. Nó đem đến cơ hội học tập suốt đời cho “người lớn” và xóa bỏ các rào cản về không gian, thời gian. Nói cách khác, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã mở ra các cơ hội học tập cho mọi người.

Với Đỗ Thị Thụy Phi, vừa tốt nghiệp chuyên ngành Luật, hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Mở TPHCM, là một minh chứng. Học xong cao đẳng, Thụy Phi xin việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong TPHCM.

Nhận thấy bản thân còn khá mơ hồ các kiến thức về luật, dù không phải là chuyên môn công việc, nhưng chị vẫn quyết tâm đăng ký theo học ngành Luật, hình thức đào tạo từ xa.

Với tấm bằng đại học vừa nhận được, Thụy Phi cho hay "đối với việc học từ xa, em thấy nó rất tiện. Bởi vì mình không có điều kiện để học chính quy thì mình vừa học vừa làm. Cho nên, vấn đề sắp xếp để đi học lấy được tấm bằng, mô hình đào tạo từ xa cũng hỗ trợ bổ sung cho em nhiều kiến thức cho em làm việc được tốt hơn”

đào tạo trực tuyến, giáo dục truyền thống

Trường ĐH Mở TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho người học chương trình Đào tạo từ xa

Một trong những hình thức đào tạo trực tuyến được nhiều trường đại học hiện nay áp dụng, đó là mô hình học tập kết hợp –Blended Learning. Bằng cách kết hợp giữa phương pháp học tập truyền thống và trực tuyến, sinh viên có thể tự nghiên cứu, tự học thông qua các bài giảng điện tử, hệ thống bài luyện tập kiểm tra, đánh giá.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, hình thức học tập kết hợp được áp dụng từ năm 2011, cho một số môn học đại cương và cơ sở ngành cho các bậc học và cho hầu hết các đối tượng sinh viên, trong đó có sinh viên liên thông, vừa học vừa làm.

Đến nay khoảng 70% khối lượng kiến thức của các môn học này được truyền tải và học tập theo hình thức trực tuyến, với hệ thống bài giảng đã được ghi âm, ghi hình, các bài luyện tập trắc nghiệm, tự luận, diễn đàn trao đổi và các buổi giải đáp, chia sẻ với giảng viên thông qua hệ thống Openmeetings.

Thạc sĩ Trần Hoàng Cẩm Tú, Phó Viện trưởng Viện E-learning Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, trường đang hướng tới hình thức đào tạo trực tuyến nữa là đào tạo từ xa: “Sinh viên sẽ có buổi đầu tiên được hướng dẫn cách học, giới thiệu môn học, có kế hoạch học tập hàng tuần.

Sau đó, có những buổi giải đáp thắc mắc, sinh viên có thể ngồi bất kỳ nơi đầu cũng được, sau đó thầy lên lớp học online, giải đáp thắc mắc sau khi sinh viên đã học 2 – 3 bài. Trường đang thực hiện trong đào tạo chính quy, ứng dụng công nghệ thông tin theo cách như vậy. Mở rộng hơn nữa là các môn cơ sở ngành như ngành Dược. Khoa Dược rất tích cực áp dụng, họ đã làm được 6 – 7 môn theo hình thức này”

Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cho hay, trường áp dụng đào tạo trực tuyến đối với đối tượng đào tạo từ xa từ năm 2011, có chỉ tiêu riêng: “Sinh viên hỏi thầy, thầy trả lời trên lớp học trực tuyến nhằm gia tăng tính tương tác. Nhưng đòi hỏi sinh viên phải học nghiêm túc. Điểm mạnh của mô hình này là cho phép người học tự do hơn, thậm chí nếu sinh viên vì bận việc mà vắng buổi học đó – buổi học truyền line thực, bạn có thể coi lại video và trao đổi lại với thầy”

Khi so sánh hình thức này với lớp học trên giảng đường, Tiến sĩ Bùi Chí Kiên, giảng viên bộ môn lí luận chính trị, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã có kinh nghiệm 8 năm giảng dạy trực tuyến đã đưa ra một ví dụ rất thú vị. Lâu nay, ở giảng đường truyền thống thì “thầy đọc – trò chép” khi dạy, còn khi thi thì “trò chép – thầy đọc”. Còn với lớp học online, đòi hỏi cả người thầy và trò đều cùng phải nỗ lực: “học trực tuyến thuận lợi ở nhiều mặt. Sinh viên không tốn công đi lại, tiền gửi xe, rồi bố trí lớp học, các phương tiện theo phương thức học truyền thống. Trong thời gian học, lớp học trực tuyến mở liên tục, ví dụ trong 9 tuần học môn Đường lối thì sinh viên mở lúc nào cũng học được, nghiên cứu được. Vì các video clip các thầy cô đã làm sẵn đưa lên mạng, nên sinh viên ở nhà lúc nào cũng có thể học được. ”

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hữu Đức - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mở TPHCM phân tích, có nhiều loại hình đào tạo trực tuyến và áp dụng cho các loại hình học tập khác nhau, cả trong đào tạo chính quy và không chính quy. Bên cạnh phương thức đào tạo kết hợp dành cho người học chính quy, với hệ đào tạo không chính quy như đào tạo từ xa, thì nó mang lại lợi thế rất lớn, đó là người học hoàn toàn không cần đến lớp.

Thách thức đặt ra cho  tạo trực tuyến, với nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu có thể kiểm soát được chất lượng của hình thức đào tạo này, PGS.TS Vũ Hữu Đức khẳng định, đối với học trực tuyến, vấn đề kiểm soát chất lượng còn chặt chẽ hơn cả chính quy “bởi vì sinh viên đến lớp, có chắc gì họ học hay không? Nhưng với hình thức này, họ không thể trốn học được. Bởi vì hệ thống máy sẽ ghi lại hết từ tên học viên, số giờ vào, ra và có thể trích xuất ra cho thầy cô hoặc người quản lý theo dõi. Thành ra quá trình học Trường nắm được rất chắc. Nó cũng có nhiều hình thức tương tác với sinh viên. Sinh viên có thể hỏi bất kỳ lúc nào thông qua forum, nên nó mang lại cách thức kiểm soát rất tốt. Chỉ có vấn đề là xã hội vẫn chưa quen với hình thức đó mà thôi. Về kỹ thuật, nó sẽ có những kỹ thuật để nhận dạng người học khi làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, xã hội và ngay cả Nhà nước cũng chưa hoàn toàn tin tưởng hình thức này, nên dù học trực tuyến những đến kiểm tra, thi  thì vẫn phải đến lớp thi tập trung. Tôi nghĩ đó chính là thách thức”

Lần lại những triết lý về giáo dục, vào những năm cuối thế 20, Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra bốn mục tiêu của giáo dục, đó là: Học để biết, Học để làm việc, Học để chung sống; Học để khẳng định mình. Vì vậy, dù với phương thức, hình thức đào tạo nào thì mục tiêu của giáo dục chính là để mỗi người hoàn thiện trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng xã hội. Đây vừa là triết lý, vừa là nội dung, phương pháp để xây dựng nền giáo dục mở. Giáo sư Viện sĩ Cao Văn Phường, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam, người đã có hơn 40 năm kiên trì theo đuổi nền giáo dục mở, đã đúc kết như vậy. Nội dung này sẽ được chúng tôi chuyển đến quý vị trong bài 2 của loạt bài “Giáo dục mở - Tương lai của giáo dục Việt Nam” trong chương trình thời sự ngày mai.

Bình luận