Chờ...

Phải có niềm tin vào học nghề

(VOH) - Muốn tạo niềm tin cho người học nghề, bên cạnh các chính sách ưu đãi đối với đào tạo nghề thì bài toán việc làm là mấu chốt quan trọng để giải quyết vấn đề trên.

VOH phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP xung quanh vấn đề làm thế nào để xã hội có niềm tin với học nghề, thành phố có các chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp ra sao để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Nghe nội dung phỏng vấn

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Ảnh: dubaonhanluchcmc

*VOH: Thưa ông, hiện nay TPHCM có các chính sách nào nhằm khuyến khích việc học nghề?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Tại TPHCM, sau khi triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã có nhiều chương trình cụ thể để giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Ví dụ, chúng tôi đang tổ chức tập trung nâng cao kỹ năng đào tạo cho giáo viên dạy nghề ở các ngành như cơ khí chính xác, công nghệ cao, cơ điện tử, công nghệ thông tin để phục vụ cho Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 4, phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP giai đoạn 2017 – 2020.

Cụ thể, vừa qua được sự chấp thuận của TP, chúng tôi đã có liên kết với một trường đại học bên Hàn Quốc và mời một trường đại học ở Nhật bản để sang dạy các nghề cơ điện tử, hàn kỹ thuật cao để phục vụ cho công nghiệp phát triển các nghề hàn như các ngành liên quan tới biển, ngành ống thép có trọng lực lớn phục vụ cho kinh tế biển.

*VOH: Đào tạo nghề bên cạnh đầu ra là tạo công ăn, việc làm cho người học, ngày nay người lao động còn được đặt trong bối cảnh cạnh tranh với nguồn nhân lực hội nhập. Vậy, người học nghề cần được trang bị những kỹ năng nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Theo quan điểm cá nhân và cả xã hội hiện nay là lấy người học làm trung tâm và lấy yêu cầu sử dụng nguồn lực là quan trọng. Cho nên hướng đào tạo giáo dục nghề nghiệp của các trường trên địa bàn thành phố đào tạo theo hướng này.

Ngoài kỹ năng nghề học ở các nước tiên tiến, người học cần trang bị thêm các kỹ năng. Đầu tiên là kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài nền tảng chính là Anh văn kèm theo một ngôn ngữ phụ của một quốc gia nào đó trong khu vực mình, ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản, để đáp ứng được yêu cầu giao dịch, nghiên cứu tài liệu để phát triển thêm ngành nghề mình có.

Kỹ năng thứ hai là thành thạo công nghệ thông tin. Thời đại hiện nay là kỹ thuật số, nếu yếu kỹ năng này thì khó khai thác được thông tin trên thị trường thế giới này.

Thứ ba là tác phong công nghiệp. Hiện nay, chúng ta chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, nhưng tính kỷ luật, an toàn lao động, tác phong công nghiệp của người lao động là những điều mà trong thời gian tới, cần phải tập trung đào tạo song hành với kỹ năng nghề chính mà họ được đào tạo ở trường nhằm tạo cho xã hội một lực lượng lao động có chất lượng cao một cách toàn diện để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

*VOH: Hiện tại, việc chuyển giao các cơ sở trung cấp, cao đẳng về Bộ LĐ-TB&XH đã tạo cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp sự thống nhất và phát triển toàn diện hơn. Tại TPHCM, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được chú trọng đầu tư như thế nào?

- Nguyễn Văn Lâm: Đây là một điều thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Cho đến thời điểm này, bên Khối giáo dục chuyển sang có 6 trường cao đẳng được đề nghị ra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để được xét đề nghị là trường chất lượng cao. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đang tiến hành rà soát.

Tôi nghĩ với 6 trường hiện có và 6 trường mới thì trường có chất lượng cao trên địa bàn TP sẽ đáp ứng tương đối đủ để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn.

Vấn đề thứ hai, dù kỹ năng nghề có nâng cao nhưng thiết bị dạy nghề chưa được đầu tư đúng mức là một hạn chế cho người học. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong năm 2016 – 2017 và đến năm 2020, hàng năm chúng tôi đều có dự toán để có đầu tư thích hợp, phù hợp với thị trường lao động, phù hợp với thiết bị đang sản xuất ở các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho người học ra trường tiếp cận được ngay với các công nghệ mà doanh nghiệp đang triển khai sản xuất, giúp cho doanh nghiệp không phải đào tạo lại, lãng phí về mặt nguồn lực.

*VOH: Theo ông, muốn người học có niềm tin với giáo dục nghề nghiệp, cần những giải pháp nào?

- Ông Nguyễn Văn Lâm: Việc tạo niềm cho người học nghề, trên cả các phương tiện thông tin đại chúng, Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP đều có đề cập vấn đề này. Nhưng để trở thành hiện thực thì vấn đề mấu chốt là phải giải quyết được việc làm cho người học sau khi ra trường.

Theo thống kê, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm bình quân trên 95%. Cá biệt, có những nghề như điện công nghiệp, cơ khí chính xác, công nghệ ô tô gần như 100% ra trường có việc làm. Điều này cho thấy, với định hướng phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ thì đào tạo theo hướng này, phần lớn những ngành này sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định.

Tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt, chúng tôi là những người thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn thành phố, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt hơn nữa để cho đến năm 2020 sẽ đạt và vượt chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ TP đề ra.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận