Chờ...

TPHCM: 100% giáo viên tin học sẽ được chuẩn hoá đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế

(VOH) - Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, 50% học sinh TPHCM đạt chứng chỉ tin học quốc tế.

Sáng 28/4, tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2021-2030", Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định hiện tại là thời điểm thích hợp để triển khai nâng cao năng lực tin học cho học sinh Thành phố.

Thời điểm thích hợp triển khai đề án nâng cao năng lực tin học cho học sinh Thành phố 1

Hội nghị Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2021-2030"

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, 50% học sinh TPHCM đạt chứng chỉ tin học quốc tế, 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hoá đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% nhà trường đảm bảo số lượng và cấu hình máy tính đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế. Kế hoạch được chia theo lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2022, từ 2023 đến 2025 và giai đoạn 2025-2030.

Để thực hiện kế hoạch, bên cạnh đội ngũ giáo viên, các trường cần phải đầu tư nhiều cho hệ thống cơ sở vật chất, cụ thể là phòng máy vi tính. Theo ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, việc mua sắm máy móc gắn liền với việc mua sắm tập trung. Để triển khai lộ trình cho năm 2021-2022 dù ngành đã rất nỗ lực nhưng theo quy trình chung có thể sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, bên cạnh xin chủ trương, trường cũng phải thực hiện cơ sở xã hội hoá để triển khai theo lộ trình.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Huyện Hóc Môn, việc triển khai chương trình tin học theo chuẩn quốc tế được các trường quan tâm để học sinh hội nhập tốt sau này. Tuy nhiên, kinh phí để một học sinh lớp 11 học tin học theo chuẩn quốc tế và có thể thay thế điểm nghề, cần khoảng 2.000.000 đồng. Đối với trường vùng ven, đây không phải là con số nhỏ: "Trong điều kiện Covid-19 như thế này, những trường vùng ven cảm nhận rõ khó khăn trong kinh tế, đời sống của người dân. Về nội dung các em có thể tiếp cận được nhưng điều quan trọng nhất vẫn là kinh phí. Vì vậy, khi triển khai đại trà, chắc chắn các trường vùng ven vẫn ủng hộ phát triển theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất khi triển khai đại trà với số lượng lớn cần có một cách tính khác." 

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng hiện tại với sự phát triển mạnh mẽ của không gian số, của quốc gia không biên giới... là thời điểm thích hợp để triển khai đề án nâng cao năng lực tin học cho học sinh Thành phố. Đo lường khả năng trí tuệ của học sinh hiện không chỉ có các tiêu chuẩn IQ - chỉ số thông minh, EQ - trí tuệ xúc cảm, mà còn có DQ (Digital Intelligence Quotient) - trí tuệ số. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng không phải trẻ em thao tác trên điện thoại, lướt mạng, vô facebook là các em đã giỏi tin học, mà các em cần được trang bị kiến thức kỹ năng số. "Học sinh cần phải có kiến thức, kỹ năng và giá trị số đạt chuẩn. Các chuẩn kiến thức kỹ năng này có được nhờ việc học và các chuẩn quốc tế. Khi tiếp cận được các em sẽ có nền tảng, từ đó biết ứng dụng biết vận dụng những kiến thức đó vào trong giá trị cuộc sống", ông Sơn nói.     

Bình luận