Header-01
Đăng nhập

Tái lập đội săn bắt cướp, tại sao không?

(VOH) - Thưa bà con! Tư hưu trí hỏi HSG còn nhớ những chiến công “thần sầu” của lực lợng “Săn bắt cướp” của Công An TP mình gần 40 năm về trước không?

Hai SG rằng: nhớ nằm lòng và rất tâm đắc khi biết Bí thư Thành ủy mình chỉ đạo Công An TP tái lập lại lực lượng “Săn bắt cướp”. Anh em trong bàn trà ai cũng đồng thuận với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, bởi theo Công an TP.HCM  trong 5 tháng đầu năm 2016, TP đã xảy ra 2.119 vụ phạm pháp hình sự, trong đó chủ yếu là các loại án như cướp tài sản, trộm cắp, cướp giật tài sản, có tới 79,5% số vụ xảy ra tập trung từ 8 đến 22h đêm.

Trước sự hoành hành của nạn trộm cắp và cướp giật, đặc biệt là cướp giật đường phố, Bí thứ Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị công an TP tái lập lại lực lượng “Săn bắt cướp” là vô cùng cấn thiết.

img thumbXem toàn màn hình

Lâm Hiếu Long - thành viên một đội hiệp sĩ đường phố, hoạt động hiệu quả ở Sài Gòn - trong một lần bắt đối tượng phạm pháp hình sự trên phố. 

Nhắc tới “Săn bắt cướp” ở TP mình HSG có “cả bụng” kỷ niệm với mấy anh chiến sĩ, dũng cảm, truy đuổi bọn cướp như trên phim ảnh. HSG đố mấy anh bạn là xuất phát từ đâu để hình thành “Săn bắt cướp”? Đơn vị nào có sáng kiến thành lập “Săn bắt cướp” đầu tiên ở TP mình.

Không anh em nào trả lời được. HSG  lúc đó là phóng viên được cơ quan phân công theo dõi và viết bài cho lực lượng Công An TP. "Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tình hình cướp giật trên địa bàn TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp, bọn tội phạm rất liều lĩnh và táo tợn, đặc biệt ở quận 5. Vì lẽ đó, công an quận 5 đã nghĩ ra mô hình Săn bắt cướp để thực hiện trinh sát và đeo bám kịp thời ngăn chặn các vụ cướp giật ở địa bàn.

Người khai sinh ra lực lượng nầy là ông Trịnh Vinh, trưởng Công an Quận quy tụ một số chiến sĩ trinh sát trẻ dũng cảm, mưu trí lái xe honda 67 xoáy nồng lạng lách như làm xiếc trên đường phố.

Người nổi danh nhứt trong “săn bắt cướp” quận 5 lúc ấy là anh Lý Đại Bàng sinh năm 1960 quê ở Củ Chi. Từ mô hình “Săn bắt cướp tinh nhuệ của công an Q.5, công an TP.HCM thấy được tính hiệu quả nên nhân rộng mô hình. Từ đó lực lương ết-bê-xê (SBC) tức săn bắt cướp TP hình thành, gồm 5 đội với 72 CB CS.

Người chỉ huy đầu tiên lực lượng Săn bắt cướp TP là trung tá Trịnh Thanh Thiệp  - Trưởng phòng hình sự.  Săn bắt cướp TP đã xây dựng những tên tuổi sau này trở thành huyền thoại như Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc v..v 

“Luật” của “binh chủng” Săn bắt cướp ngay từ khi ra đời được lãnh đạo công an TP.HCM thông qua, quy định như sau: “Trinh sát SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ xe honda 67 xoáy nòng. Khi thi hành công vụ, trinh sát Săn bắt cướp được đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Gặp đối tượng bị truy nã không đầu hàng, sau hai phát súng cảnh cáo, trinh sát Săn bắt cướp được phép bắn đối tượng”.

Đội Săn bắt cướp từng nổi đình đám nhứt là đội của Đại úy Võ Tấn Thành, tức anh Hai Thành đã lập nhiều chiến công xuất sắc, chấn động dự luận như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, điều tra vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, băng cướp Thái Lập Thành, băng Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim, Tín Mã Nàm v..v. 

Anh em nghe HSG kể lại thành tích của lực lượng SBC lúc đó như kể chuyện phim ai cũng khoái chí và thấy việc tái lập lực lượng SBC phục vụ cho nhu cầu phòng chống cướp giựt hiện nay là rất cần thiết.

Tại sao là cần thiết, HSG xin nêu ý kiến của các chiến sĩ trong lực lượng Săn bắt cướp hơn 30 năm về trước. Theo ông Trần Văn Năm (từng công tác trong đội Săn bắt cướp, được đồng đội mệnh danh là Năm Lửa), việc tái lập đội Săn bắt cướp là một chỉ đạo hợp lý.

Hiện nay kinh tế phát triển, người dân đi ra đường mang theo tiền bạc, tư trang nhiều, nhưng lực lượng cảnh sát không đủ mạnh nên tội phạm lộng hành, nếu tái lập Săn bắt cướp phải tuyển chọn người nhiệt huyết, có sức khỏe, điều khiển xe thuần thục trên đường phố, giỏi võ. Và cần có những trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại để xử lý nhanh các tình huống.

Còn ông Nguyễn Văn Bạn, CB Công An nghỉ hưu cho rằng: “hiện nay cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP cũng có nhiệm vụ giống như SBC trên đường phố, nhưng quyền hạn chức năng khác hơn do hệ thống pháp luật thay đổi. Trước đây, khi đối tượng chống cự, Săn bắt cướp được quyền nổ súng quân dụng.

Còn đặc nhiệm hình sự hiện nay chủ yếu sử dụng công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để trấn áp tội phạm triệt để, tái lập được Săn bắt cướp với nhiều chức năng, quyền hạn đặc biệt thì quá tốt!”

Nghe HSG nhắc lại, phân tích và nêu ý kiến những cán bộ chiến sĩ Săn bắt cướp trước kia trong đấu tranh phòng chống cướp giựt trên đường phố, Anh em ai cũng tán đồng “Cần phải có lực lượng Săn bắt cướp cho TP mình, nếu cán bộ chiến sĩ Săn bắt cướp làm được như những cán bộ chiến sĩ đàn anh, lại được sự phối hợp của quần chúng nhân dân, lưới trời lồng lộng, thì chắc chắc nạn cướp giựt ở TP mình sẽ giảm hẳn, Tư hưu trí lại “tự sướng” “Không những giảm mà tệ nạn cướp giựt trên đường phố không còn nữa vì  môi trường cho bọn chúng hoạt động đã bị triệt tiêu.

Bình luận