Chờ...

Phát triển biền vững 17/5: Chỉ có lưu trữ điện mới loại bỏ hoàn toàn loại hình phát điện hóa thạch

VOH - Xanh hóa logistics cần có lộ trình; Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời; Cơ hội phát triển công nghiệp điện và năng lượng tại ENE Vietnam 2024.

Chỉ có lưu trữ điện mới loại bỏ hoàn toàn loại hình phát điện hóa thạch

Luu-Tru

Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Anh Vũ

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), nhu cầu điện toàn quốc tới năm 2030 vào khoảng 505 tỉ kWh. Để đáp ứng được nhu cầu điện này, dự kiến cần có khoảng 150.000 MW công suất nguồn điện. Năm 2030 tổng công suất nguồn điện gió và mặt trời vào khoảng 41GW, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống.

Hiện nay, các nhà máy điện mặt trời gặp phải một vấn đề là thời gian phát chỉ cố định trong một khung giờ nhất định (từ hơn 7h sáng đến gần 17h chiều, đạt đỉnh công suất trong khoảng từ 11 - 14h30 tùy vào vị trí địa lý). Điều này dẫn đến một lượng lớn công suất trong thời gian phát công suất đỉnh của điện mặt trời trở nên dư thừa và rất lãng phí.

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, phương pháp tối ưu để điện mặt trời mái nhà dư thừa được huy động lên lưới, đó là cần phát triển công nghệ lưu trữ điện năng. Chỉ có lưu trữ điện mới loại bỏ hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Bằng cách lưu trữ năng lượng dư thừa trong thời kỳ nhu cầu sử dụng đang thấp và giải phóng năng lượng trong giai đoạn cao điểm, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin có thể tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí điện. Để tối ưu hóa những lợi ích này, Việt Nam phải đẩy nhanh việc triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin và thực hiện thêm các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ.

Xanh hóa logistics cần có lộ trình

Để cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, xanh hóa là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp logistics nói riêng. Tuy nhiên, tiến trình này đòi hỏi suất đầu tư rất lớn, các doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi.

green_logistics (1)

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ở tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa. Hành lang pháp lý thuận lợi với lộ trình thực hiện cụ thể đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics xanh, tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp trong ngành.

Về phía doanh nghiệp logistics, nhận thức và triển khai các hoạt động xanh hóa cũng đã được quan tâm. Báo cáo Logistics 2022 chỉ ra, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ; gần 65% doanh nghiệp cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp. Sự quan tâm của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi xanh thể hiện rõ ở việc đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh…

Xanh hóa logistics đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi đa số doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi, vừa để tìm kiếm công nghệ phù hợp vừa có thời gian nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh.

 Hiện, một số trung tâm logistics đã triển khai lắp điện mặt trời mái nhà, đây là một trong những giải pháp có thể thực hiện được ngay để xanh hóa. Còn theo ông Đào Trọng Khoa, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là khoản đầu tư mang lại hiệu quả lớn, bởi nghiên cứu của DHL cho thấy, 88% khách hàng có xu hướng trung thành hơn với những doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Cơ hội phát triển công nghiệp điện và năng lượng tại ENE Vietnam 2024

Hơn 300 gian hàng của 250 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã tham dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Điện và Năng lượng tại Việt Nam - ENE Vietnam 2024 từ ngày 16 - 18/5 tại Hà Nội.

Nghi lễ cắt băng khai mạc

Triển lãm do Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam - VIETFAIR, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh - CSED phối hợp tổ chức.

Triển lãm trưng bày sản phẩm các lĩnh vực chính về cơ khí, máy móc, thiết bị công nghiệp, tự động hóa/ngũ kim và dụng cụ cầm tay (HMET EXPO VIETNAM)/hàn cắt, gia công kim loại (METAL & WELD – ISME)/công nghiệp điện và năng lượng (ENE Vietnam).

Tại lễ khai mạc, Giám sát trưởng kiêm Hội trưởng Pháp chế Hội đồng Điện lực Trung Quốc Pan Yue Long khẳng định: việc đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh và carbon thấp đã trở thành nhận thức chung trên toàn thế giới. Cùng với việc không ngừng nâng cấp công nghệ năng lượng xanh và carbon thấp, tỷ trọng điện năng trong tiêu hao năng lượng đầu cuối gia tăng, điện đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam Mai Quốc Hội cho rằng, cùng với Diễn đàn Hợp tác Phát triển ngành điện lực Trung Quốc - ASEAN (Kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc), với đa dạng nhóm sản phẩm trưng bày chuyên sâu về ngành điện, điện lực, năng lượng, triển lãm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của ngành công nghiệp điện trong năm 2024. Sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024), thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay đến năm 2030, ước tính sản lượng pin cần tăng 6 lần so với hiện tại để có thể đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu về môi trường vào năm 2030.

Cơ quan này đánh giá công nghệ pin tích năng sẽ là giải pháp giúp lưu trữ điện năng dư thừa, đảm bảo tiết kiệm và nâng cao hiệu quả cho các dự án điện năng lượng tái tạo, đồng thời là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác điều độ và ổn định hệ thống điện quốc gia.

Theo IEA, điện và giao thông vận tải là hai lĩnh vực chính, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề phát thải và mục tiêu trung hòa các-bon. Việc ứng dụng pin lưu trữ năng lượng trong lĩnh vực này có thể là giải pháp khả thi và hữu ích cho các nước hoàn thành mục tiêu phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường.

Việc đầu tư giải pháp công nghệ lưu trữ vẫn còn đắt đỏ và khó phổ biến do đòi hỏi một số lượng lớn vốn và nghiên cứu phát triển công nghệ. Đề xuất giải pháp để tận dụng nguồn điện mặt trời trong thời gian chờ công nghệ pin lưu trữ phát triển.

NESCAFÉ Plan 2030 tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí

Trong báo cáo tiến độ chương trình NESCAFÉ Plan 2030 lần thứ 2 công bố mới đây, Tập đoàn Nestlé chia sẻ việc tiếp tục tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, khẳng định đây cũng là chìa khóa giúp tăng năng suất cà phê, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính.

cafe 2.1

Chương trình NESCAFÉ Plan 2030 tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp tái sinh và giảm phát thải khí nhà kính

Thống kê của Nestlé trong năm 2023, hơn 20% nguyên liệu của NESCAFÉ có nguồn gốc từ các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh. Dữ liệu do tổ chức kiểm định tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest Alliance cung cấp dựa vào hoạt động giám sát và đánh giá tác động trên các nhóm nông dân ở 11 khu vực trồng cà phê mà NESCAFÉ thu mua. Kết quả cho thấy nông dân ở các quốc gia như Việt Nam, Honduras, Ấn Độ, Philippines, và Thái Lan đạt được mức tăng năng suất cà phê từ 5 - 25% trên mỗi ha so với năm 2022.

Chương trình toàn cầu NESCAFÉ Plan được Tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại các quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới nhằm mục tiêu mang lại những giá trị bền vững cho người nông dân, cho cộng đồng và hành tinh

Theo Nestlé, các biện pháp chính góp phần vào sự tăng trưởng này bao gồm tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và kỹ thuật che phủ bảo vệ đất, giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi kg cà phê từ 15 - 30%.

Cũng trong năm 2023, Chương trình NESCAFÉ Plan đã phân phối 21 triệu cây giống cà phê cho nông dân để giúp cải tạo và tái canh diện tích cà phê cũng như cải thiện năng suất tại các nước triển khai chương trình.

Bình luận