Chờ...

Người tiêu dùng có thể không biết: “90% nấm ở các chợ đầu mối được nhập từ Trung Quốc”

(VOH) - Hiện nay, 90% nấm ở các chợ đầu mối được nhập từ Trung Quốc nhưng khi vào trong siêu thị thì không để nhãn mác xuất xứ từ quốc gia này.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra bàn luận tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm” được tổ chức sáng nay (13/10) tại TPHCM.

Thông tin được bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản đưa ra. Bà Minh cho biết, bà có đi thực tế ở các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền và tiểu thương cho biết 90% nấm ở chợ đầu mối là từ Trung Quốc.

Người tiêu dùng có thể không biết: “90% nấm ở các chợ đầu mối được nhập từ Trung Quốc” 1
Những hộp nấm đùi gà được rao bán trên mạng với giả chỉ 15.000/hộp

Bà Minh nhấn mạnh: “Mình không nói Trung Quốc là xấu. Trung Quốc cũng quản lý rất tốt, thậm chí quy trình còn tốt hơn chúng ta nhưng tại sao hàng này khi nhập vào đều có bao bì, tem, mác mà khi ra chợ Việt Nam không thấy xuất hiện bao bì Trung Quốc, kể cả trong siêu thị. Đây là vấn đề chưa rõ ràng, thiếu minh bạch”.

Trao đổi thêm về câu chuyện này, ông Phan Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm và Môi trường, chợ nông sản chợ Hóc Môn cho rằng: Nấm cũng có nhiều loại, nấm rơm trồng tại Đồng Tháp, Tây Ninh; còn nấm kim châm, nấm đùi gà nước ta không sản xuất được thì nhập khẩu. Có ghi rõ ràng "made in Trung Quốc, Hàn Quốc". Nhập từ đâu, hàng hóa có kiểm nghiệm đầy đủ. Tuy nhiên khi về chợ lẻ, không thể biết được, chỉ kiểm soát được ở chợ đầu mối...

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho thấy, hiện có hơn 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm thực phẩm sử dụng, đó là minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm…

Theo AFT, nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong các cuộc khảo sát đều mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường…

Tuy nhiên, câu chuyện về nấm nhập khẩu "một đằng" mà tem mác khi tới tay người tiêu dùng lại "một nẻo" sẽ khiến không ít người tiêu dùng mất niềm tin và tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp thực phẩm nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, đại diện chợ nông sản Thủ Đức, mỗi ngày chợ có 2.300 tấn rau củ quả trái cây, lượng rau hằng ngày lớn hơn 1.300 tấn. Theo quy trình nhập chợ, có đội kiểm soát những chủ hàng: đăng ký mã hàng, vùng chuyển, số điện thoại người cung cấp… vào sổ ghi chép để có thể truy xuất nguồn gốc.

99% chợ đầu mối Thủ Đức thương nhân tự mua bán và trao đổi, chợ chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa. Rau Lâm Đồng chiếm 50% rau nhập ở chợ, 10 - 11h đêm rau đi ra các vùng tiêu thụ khác. 99% nông dân tự sản xuất, tự cung cấp cho các thương nhân ở chợ.

Do đó, theo ông Phương “việc kiểm soát trước hết nằm ở vùng trồng".

Bình luận