32,5% người trưởng thành ở Hàn Quốc thừa cân, béo phì

VOH - Theo dữ liệu gần đây do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc công bố, khoảng 32,5% người trưởng thành ở Hàn Quốc thừa cân, béo phì.

Theo báo cáo được công bố vào ngày 18/10, 32,5% người trưởng thành ở Hàn Quốc được phân loại là thừa cân hoặc béo phì với Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên vào năm 2022, tăng hơn 1/3 so với một thập kỷ trước khi con số này ở mức 24,5 %.

thừa cân
 32,5% người trưởng thành ở Hàn Quốc thừa cân, béo phì - Ảnh: 123rf

Mặc dù gần 1/3 người Hàn Quốc hiện được xếp vào nhóm thừa cân nhưng quốc gia này vẫn có tình hình tốt hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác.

Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dựa trên dữ liệu năm 2020, 37,8% dân số trưởng thành của Hàn Quốc bị thừa cân hoặc béo phì, chỉ đứng sau 27,2% của Nhật Bản.

Điều này trái ngược hẳn với số liệu của Anh và Mỹ, nơi tỷ lệ này lần lượt là 64,2% và 73,1%.

Xem thêm: Chỉ số BMI nói lên điều gì về sức khỏe của bạn?

Tất cả những số liệu đó đặt ra câu hỏi - BMI có phải là thước đo đáng tin cậy về rủi ro sức khỏe không? BMI - số liệu được sử dụng rộng rãi, tính toán cân nặng theo bình phương chiều cao, ngày càng bị chỉ trích vì khả năng đơn giản hóa quá mức và không chính xác.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, BMI có thể gây hiểu nhầm đối với những người thấp hơn hoặc cao hơn mức trung bình đáng kể. Hơn nữa, nguồn gốc của nó từ thế kỷ 19, chủ yếu dựa trên nhóm nhân khẩu học hẹp gồm đàn ông da trắng châu Âu, đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về mức độ liên quan của nó với các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác nhau.

Những khác biệt toàn cầu trong việc xác định thừa cân và béo phì càng làm phức tạp thêm điều này. Trong khi chỉ số BMI từ 25 đến 30 thường được coi là thừa cân ở châu Âu và châu Mỹ, thì các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Hàn Quốc có xu hướng đặt ngưỡng thấp hơn, với 23 đến 24,9 được phân loại là thừa cân và 25 trở lên là béo phì.

Sự điều chỉnh này được cho là nhằm giải quyết nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa cao hơn ở người châu Á có mức BMI thấp hơn như được chỉ ra trong một số nghiên cứu nhưng dù sao nó cũng góp phần thúc đẩy một cuộc tranh luận về mức độ phù hợp và độ tin cậy toàn cầu của chỉ số.

Trước những lo ngại này, một số chuyên gia y tế ủng hộ các biện pháp thay thế, chẳng hạn như tỷ lệ vòng eo trên chiều cao. Biện pháp này đưa ra đánh giá chính xác hơn về nguy cơ sức khỏe liên quan đến cân nặng, đặc biệt là những nguy cơ liên quan đến mỡ bụng, đây là chỉ báo nguy cơ sức khỏe mạnh hơn nhiều so với mỡ ở các vùng khác trên cơ thể.

Bình luận