Chờ...

Một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Khó khăn chồng chất, thách thức đan xen

(VOH) - Ngày 20/1 đánh dấu tròn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dư luận Mỹ đánh giá đây là một năm nhiều thăng trầm, nhưng Tổng thống Biden đã thể hiện được bản sắc riêng trên cương vị tổng thống, dù có rất nhiều thách thức và khó khăn đan xen.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp báo đầu tiên trong năm 2022. Ông Biden đã nêu bật những gì mà chính quyền của ông đã thực hiện được trong năm qua bao gồm nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm phòng Covid-19, tạo thêm 6,4 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng lương tối thiểu cho người dân, tăng trưởng kinh tế và việc hai đảng đạt đồng thuận trong việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua năm đầu tiên với không ít thăng trầm - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua năm đầu tiên với không ít thăng trầm - Ảnh: REUTERS

Theo Tổng thống Biden, chính quyền của ông hiện đang tập trung xử lý hai thách thức đó là dịch bệnh Covid-19 và lạm phát. Tổng thống Biden khẳng định sẽ tập trung các nguồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19 đồng thời không áp dụng các biện pháp phong tỏa cũng như không đóng cửa các trường học.

Đối với vấn đề giá cả gia tăng, Tổng thống Biden đưa ra một số giải pháp bao gồm giải quyết sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, thực hiện Kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn của mình, và thúc đẩy cạnh tranh. 

Có thể thấy rằng là có lẽ không một tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ đương đại lại phải đương đầu với hàng loạt những thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại khi nhậm chức như ông Joe Biden.

Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, ông đã đưa ra nhiều quyết sách lớn, đồng thời cũng gây ra không ít tranh cãi mới, khiến dư luận có những đánh giá trái chiều về hiệu quả công việc của ông và chính quyền của mình.

Tổng thống Biden đã đạt được một số thành tựu ban đầu như là thông qua dự luật cứu trợ đại dịch lên tới 1.900 tỷ Đô la và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ Đô la, đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, tăng cường tiêm vaccine Covid-19 rộng rãi và giúp người dân Mỹ dần trở lại cuộc sống bình thường, nền kinh tế đạt tăng trưởng dương và tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, bổ nhiệm nhiều thẩm phán trong năm đầu nhiệm kỳ của mình hơn so với bất kỳ tổng thống nào kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, phần nào khôi phục lại vị thế của Mỹ thông qua việc hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác......

Các vấn đề đối nội khác cũng được chính quyền Tổng thống Biden quan tâm thúc đẩy như siết chặt kiểm soát súng đạn, vấn đề người di cư và đoàn tụ trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ hay thúc đẩy việc giám sát các sáng kiến về bình đẳng chủng tộc, tối đa hóa nguồn lực cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng trong các cấp của chính quyền.

Tổng thống Biden cũng đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung nhằm vào người Mỹ gốc Á. Những động thái thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số đã phần nào làm dịu bớt cơn giận dữ chia rẽ ở trong nước cũng như thu hẹp bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn gia tăng tại Mỹ là một chiến thắng đối nội trong năm đầu cầm quyền của ông Biden.

Về đối ngoại, Tổng thống Biden triển khai chính sách mang tên "đối ngoại vì người dân Mỹ” bao gồm 8 ưu tiên, gồm kiểm soát đại dịch COVID-19 và củng cố an ninh y tế toàn cầu; phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bao trùm và ổn định hơn; củng cố nền dân chủ; xây dựng một hệ thống di trú hiệu quả và nhân đạo; hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh và đối tác; ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng xanh; đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ; và cuối cùng là giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21.

Những ưu tiên này đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho chính quyền Tổng thống Biden, đòi hỏi đội ngũ của ông phải thường xuyên thực hiện những chuyến công du con thoi tới các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông để vận động và phối hợp với các đồng minh, đối tác cùng triển khai. Có thể khái quát một số điểm nhấn đối ngoại trong 1 năm đầu cầm quyền của ông Biden trên 3 khía cạnh chính.

Trước hết là giành lại vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế như đảm bảo cung ứng vaccine, chống biến đổi khí hậu. Tiếp đến là hàn gắn quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với các đối tác lâu đời ở châu Âu, qua đó giải quyết những tranh chấp thương mại và thúc đẩy các giá trị chung. Thứ ba là thiết lập cơ chế hợp tác Australia – Anh – Mỹ (AUKUS) và nâng tầm “Bộ tứ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ đang hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực về lợi ích quốc phòng, an ninh và kinh tế, đồng thời tăng cường kết nối giữa các đồng minh châu  Âu và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu kể trên thì cách giải quyết trong một số vấn đề cũng đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm đi so với khi nhậm chức như là dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát và đang tiếp tục gia tăng, giá cả và lạm phát cao, việc rút quân khỏi Afghanistan được cho là khá lộn xộn và không có kế hoạch, và vấn đề người di cư ở biên giới…

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngay trước thời điểm tròn 1 năm Tổng thống Biden nhậm chức cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với phương thức điều hành của ông có xu hướng giảm, đặc biệt trong một số vấn đề như phục hồi kinh tế, lạm phát. Điều đó phản ánh những thách thức mà Tổng thống Biden phải đối mặt.

Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện cuối tuần trước cho thấy 45% người Mỹ trưởng thành được hỏi bày tỏ hài lòng về phương thức điều hành của ông Biden, trong khi 50% cho biết không hài lòng. Theo kết quả thăm dò mới nhất của projects.fivethirtyeight.com, tỷ lệ ủng hộ cách điều hành đất nước của Tổng thống Biden trong năm qua là 42,3% tỷ lệ phản đối là 52,4%.

Nhìn lại một năm cầm quyền vừa qua, có thể thấy rằng Tổng thống Biden đã thực sự nỗ lực để thực hiện những cam kết đối với cử tri trong nhiều vấn đề thuộc phạm trù chính sách đối nội và đối ngoại. Chủ nghĩa đa phương đã trở lại trên bàn nghị sự đối ngoại với hàng loạt những định hướng cả trong ngắn hạn và trung hạn.

Điều này có lợi trong bối cảnh ông Biden và đảng Dân chủ sẽ bước vào đợt sát hạch quan trọng - cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022.

Bình luận