Chờ...

Chăm lo sức khỏe người lao động làm việc dưới nắng nóng

VOH - Ngày 5/5, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS (huyện Bình Chánh) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Biện pháp phòng chống say nắng, say nóng.

Tại buổi nói chuyện, TS.BS Lê Văn Nhân - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ những thông tin hữu ích, giúp người lao động của VWS có thể bảo vệ sức khỏe, tránh say nắng, say nóng.

Thời tiết nắng nóng luôn có nguy cơ đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người phải lao động trực tiếp ngoài trời như công nhân xử lý rác, thợ hồ… Do đó, bác sĩ Nhân đưa ra những lời khuyên để người lao động chủ động phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng chống, xử trí một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng.

Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS (huyện Bình Chánh)
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS (huyện Bình Chánh) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Biện pháp phòng chống say nắng, say nóng cho người lao động.

Trước tiên, để tránh bị say nắng, say nóng, những công nhân làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ, như sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh hoạt động quá sức.

Người lao động nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy, thường xuyên bổ sung lượng nước cho cơ thể từ 30-60 phút/lần. Che chắn kĩ khi làm việc ngoài trời bằng quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm kem chống nắng; không sử dụng các loại đồ uống có cồn...

Theo bác sĩ Nhân, trong trường hợp đã bị say nắng, say nóng cần đưa người bệnh vào nơi mát mẻ, có bóng râm; cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt.

Sau đó, cần gọi cho xe cấp cứu và sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi. Làm giảm thân nhiệt bằng một tấm khăn ướt (vắt ráo nước) chườm mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm điều này cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38C. Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khô.

Trấn an bệnh nhân cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế hoặc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống thuốc gì vì dễ gây sặc và nghẹt đường thở.

Đọc thêm: 3 dấu hiệu nhận biết cơ thể đang bị say nắng và cách xử trí an toàn

Chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cũng như giải pháp xử lý khi bị say nắng, say nóng, chị Võ Thị Thanh Sang, nhân viên Công ty VWS cho biết, do thường xuyên làm việc trong môi trường nắng nóng nên buổi trò chuyện cùng chuyên gia y tế thật sự bổ ích và cần thiết cho chị cũng như đồng nghiệp.

“Chúng tôi đã được trang bị những kiến thức cơ bản nhất để khi gặp sự cố liên quan đến say nắng, say nóng, mình có thể áp dụng ngay. Những thông tin này không chỉ giúp mình tự bảo vệ bản thân, mà còn có thể hỗ trợ được những người xung quanh” – chị Sang chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp luôn đặt sức khỏe công nhân viên, người lao động lên hàng đầu, hàng năm, Công ty VWS thường xuyên tổ chức các chương trình chăm cho người lao động như khám sức khỏe – phát thuốc miễn phí, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo con em lao động học giỏi; tổ chức các buổi tập huấn về phòng cháy chữa cháy; nói chuyện chuyên đề, nâng cao kiến thức chăm lo sức khỏe cho người lao động.

Bình luận