Chờ...

Phim truyền hình Việt Nam: thừa lượng thiếu chất

(VOH) - Chị Nguyễn Hồng Ngân nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM kể rằng, ngày xưa mẹ và em gái chị hay xem phim Hàn Quốc nhưng giờ sở thích đã thay đổi. Mẹ chị Ngân năm nay đã ngoài 60 tuổi, vì ở nhà thường xuyên nên giải trí là đọc báo hay xem ti vi. Những năm trước, các bộ phim tình cảm sướt mướt Hàn Quốc, phim cổ trang Trung Quốc chiếu nhiều trên màn ảnh nhỏ. Hầu như bà chẳng bỏ sót một bộ phim nào, thỉnh thoảng thú giải trí của bà còn có sự tham gia của em gái chị Ngân. Cho đến cách đây vài năm khi đài truyền hình TPHCM cho ra đời chương trình phim Việt cuối tuần thì không hiểu từ bao giờ mẹ và em gái của chị Ngân quay trở lại thưởng thức phim Việt.

Không riêng gì gia đình chị Ngân mà nhiều gia đình khác bây giờ cũng chờ đến giờ để được xem tập tiếp theo của bộ phim mà mình đang yêu thích. Ví như gia đình bà Đặng Thị Diệu ở quận 3, con trai và con dâu của bà đều bận rộn nên thỉnh thoảng mới liếc qua ti vi, những lúc phim cao trào bà cũng chẳng biết bàn luận với ai, dạo gần đây, thỉnh thoảng bà thấy hai vợ chồng cũng ghé mắt nhìn qua màn ảnh nhỏ, rồi ngồi xem lúc nào không biết, thỉnh thoảng còn bàn luận rôm rả ở mấy chi tiết gây cười, thằng cháu nội nhỏ xíu ngồi bên cạnh, dù chưa biết gì thấy cả nhà cười, cũng cười theo. Bà Diệu thấy không khí gia đình trở nên ấm cúng và các thành viên trong nhà gắn bó hơn nhờ vào giờ phim Việt. 

Theo nhận xét của một số khán giả màn ảnh nhỏ, khi các đài truyền hình cùng tham gia vào việc định hướng lại thị hiếu của người dân bằng việc đưa phim Việt vào giờ vàng là một tín hiệu tích cực, bởi nói như ông Nguyễn Việt Hùng, giám đốc hãng phim TFS của Đài Truyền hình TPHCM thì phim là một trong những sản phẩm giải trí cao cấp mang tính định hướng cao. Khi trào lưu phim Hàn Quốc rộ lên không hiếm người đã bắt chước mốt “ tóc nâu, môi trầm” hay điệu bộ, cách nói chuyện y như diễn viên Hàn Quốc. Trước đây, một năm, Đài Truyền hình TPHCM, Đài truyền hình Việt nam cùng một số đài khác chỉ có thể sản xuất được khoảng 200 tập/ năm nhưng với xu hướng xã hội hóa rộng rãi như hiện nay, rất nhiều công ty tư nhân cùng tham gia thì mỗi năm có khoảng 2.000 tập phim truyền hình được ra đời. Chỉ riêng HTV số lượng phim truyền hình phát sóng đã đạt khoảng 50%, có thời điểm còn cao hơn. Với thời lượng phát sóng lớn, không thể tránh khỏi những hạt sạn, từ kịch bản, diễn xuất cho đến những quảng cáo quá lố trong phim.

Không khó để nhận ra khá nhiều kịch bản hiện nay mang hơi thở của phim Hàn Quốc từ phục trang, bối cảnh, lời thoại, thậm chí vì thiếu kịch bản nên nhiều nhà sản xuất đã việt hóa kịch bản của nước ngoài như ngôi nhà hạnh phúc, anh em nhà bác sĩ, cô nàng bất đắt dĩ…. Việt hóa kịch bản  cũng mang lại sự phong phú cho phim Việt, nhưng trong những bộ phim vừa nêu tên, hầu như chẳng đọng lại chút thiện cảm nào với khán giả. Bác Nguyễn Thị Kim Oanh nhà ở quận Tân Phú bày tỏ ý kiến:


Thiếu diễn viên cũng là nguyên nhân khiến phim truyền hình kém hấp dẫn, bên cạnh đó là lực lượng diễn viên không chuyên từ ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ cải lương…được mời đóng phim trong khi khả năng diễn xuất chỉ ở mức trung bình nếu không muốn nói là sống sượng khiến phim Việt mất điểm. Chị Nguyễn Hồng Ngân chia sẻ

Ngay cả bộ phim được đánh giá là hấp dẫn như Hương Phù Sa, khán giả vẫn cảm thấy bực mình khi thấy dân miền Tây sông nước lại mặc váy ngắn ngủn chạy xuồng ghe ào ào trên sông. Đẹp thì có đẹp nhưng e rằng không tiện và cũng không phù hợp với bối cảnh của dân lao động vốn đơn giản trong ăn mặc. Hay như diễn viên nằm trên giường bệnh mà mắt vẫn xanh môi vẫn thắm.

 
Một cảnh "nóng" trong phim Phía cuối cầu vồng.

Một số khán giả than vãn rằng, phim Việt bây giờ thiếu hẳn những cảnh nóng nghệ thuật mà thay vào đó là những cảnh nóng chi tiết đến ngượng ngùng, xem phim phía cuối cầu vồng mà cứ giật mình thon thót không biết khi nào cảnh phòng the giữa Peter Yeo và Bảo Trang xuất hiện, hay trong Thiên đường vắng em, cảnh nóng của nhân vật Tân Ngọc với một cô gái kéo dài gần 5 phút, không biết khi đó phải giải thích như thế nào với con trẻ. Bà Lê Thị Nghiêm nhà ở quận Bình Thạnh cho rằng:

Thực ra, khi vẫn còn những lời khen chê của công chúng nghĩa là phim Việt đã được quan tâm và đón nhận. Giới đạo diễn và các nhà sản xuất bày tỏ rằng, công chúng thưởng ngoạn môn nghệ thuật thứ bảy nên độ lượng hơn với những người làm phim, bởi kinh phí đầu tư có hạn, có được một tần suất phát sóng đều đặn như vậy cũng đã là nỗ lực rất lớn của nhà đài và các công ty tư nhân. Dĩ nhiên, nhà đài cũng nhìn ra những hạt sạn trong các tác phẩm của mình do vậy tiêu chí hiện nay đã chú trọng đến chất lượng nhiều hơn. Ông Nguyễn Việt Hùng, giám đốc hãng phim TFS Đài Truyền hình TP cho biết

Như ông Hùng đã nói, cái đích mà các nhà làm phim hướng tới vẫn là sự đón nhận của khán giả, chứ không phải chạy theo mục tiêu mà Luật điện ảnh quy định 50% thời lượng phim Việt phát trên sóng. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc các hãng phim nhà nước, tư nhân cũng phải chế biến và bày biện món ăn tinh thần này sao cho hấp dẫn thì mới mong thực khách của mình không quay lưng lại.


Bình luận