Ho là gì ? Những nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị

(VOH) - Ho có thể là một phản xạ tức thời của cơ thể nhưng cũng có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy ho là gì, nguyên nhân nào gây ho và có thể điều trị ho được hay không?

1. Ho là gì?

Ho là một phản xạ sinh lý thông thường để làm sạch chất nhầy hoặc chất lạ có trong cổ họng. Hành động ho sẽ giúp đẩy bật dị vật ra ngoài.

Các dị vật đường hô hấp thường là các chất tiết, dịch nhầy từ hầu họng, hoặc là bụi, xác của vi khuẩn và tế bào bạch cầu.

Khi vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp, tế bào bạch cầu sẽ đến để thực bào hoặc giết các loại vi khuẩn đó. Xác của vi khuẩn thường sẽ tạo ra dịch đờm, dựa vào màu sắc và tính chất của dịch đờm, người bệnh có thể đoán được loại vi khuẩn đã tấn công đường hô hấp.

Ho là gì ? Những nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị 1

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể (Nguồn: Internet)

Thỉnh thoảng, mọi người ho để hắng giọng, nhưng một số trường hợp ho có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Các bệnh lý ở đường hô hấp, bệnh tim và não, có thể tác động lên mao mạch của phổi, tạo nên phản xạ có áp lực lên nhu mô phổi, lên phế quản và tạo ra phản xạ ho.

Ho kéo dài dưới 3 tuần được gọi là ho cấp tính. Nếu cơn ho của bạn kéo dài từ 3 – 8 tuần thì được gọi là ho bán cấp. Ho dai dẳng hơn 8 tuần được gọi là ho mãn tính.

2. Các kiểu ho thường gặp phải

Có rất nhiều kiểu ho khác nhau mà bạn có thể gặp phải. Một số kiểu ho thường gặp, bao gồm:

  • Ho khan: Thường có ít hoặc không có dịch nhầy trong cổ họng. Người bị ho có thể cảm thấy ngứa ngáy ở cổ họng và không thể ngừng ho.
  • Ho có đờm: Ho có kèm theo dịch nhầy hoặc đờm. Một số trường hợp trong dịch nhầy có thể chứa một lượng nhỏ máu đỏ tươi (nếu ho ra máu đen thì cần đi thăm khám ngay lập tức).
  • Ho gà: Người bị ho gà thường có các triệu chứng cảm lạnh hoặc bệnh cúm nhẹ, sau đó là ho dữ dội.

3. Nguyên nhân gây ho

Ho có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

3.1 Làm sạch thanh quản

Ho là một cách thông thường để làm sạch cổ họng. Khi đường thở của bạn bị tắc nghẽn bởi chất nhầy hoặc các phần tử lạ như khói, bụi... thì ho là một phản xạ có lợi để loại bỏ các phần tử đó và giúp bạn thở dễ dàng hơn.

Thông thường, kiểu ho này không xuất hiện thường xuyên, nhưng cơn ho sẽ tăng lên khi bạn tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc.

3.2 Hút thuốc

Ho là gì ? Những nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị 2

Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây ho mãn tính (Nguồn: Internet)

Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây ho. Ho do hút thuốc lá thường là ho mãn tính với những âm thanh đặc biệt.

3.3 Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính có thể gây ra những tình trạng ho kéo dài 2 – 3 tháng và tái đi tái lại trong nhiều năm. Mỗi lần ho là khạc đờm, đờm có khi trắng trong có khi dẻo đặc hoặc có bọt. Khi viêm phế quản mãn tính có biến chứng thì triệu chứng ho khạc đờm trở nên dữ dội hơn.

3.4 Nhiễm virus, vi khuẩn

Các bệnh cảm lạnh hay bệnh cúm đều do nhiễm virus gây ra. Triệu chứng thường gặp nhất của những căn bệnh này là ho. Ho có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần.

Xem thêm: Cảm lạnh: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

3.5 Hen suyễn

Nguyên nhân phổ biến gây ho ở ở trẻ em là bệnh hen suyễn. Thông thường, ho hen sẽ kèm theo thở khò khè nên rất dễ nhận biết.

3.6 Suy tim

Nếu ho nhẹ và khạc đờm có vướng một chút máu thì có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị suy tim.

3.7 Bệnh ung thư

Ho ra máu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi hoặc lao phổi.

3.8 Dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là gây ho, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thường được dùng trong điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh tim. Tuy nhiên, tình trạng ho sẽ hết khi bạn ngưng sử dụng thuốc.

Ho là gì ? Những nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị 3

Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây ho (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra ho, bao gồm:

  • Tổn thương dây thanh quản
  • Viêm phổi, ho gà, ung thư phổi, thuyên tắc phổi
  • Trào ngược dạ dày thực phản (có thể gây ra ho mãn tính)

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi bị ho?

Hầu hết các cơn ho thường sẽ hết hoặc cải thiện đáng kể trong vòng 2 tuần. Vì thế, trong giai đoạn đầu, nếu chưa có kèm theo sốt thì bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách khà nước muối mỗi sáng sau khi đánh răng hoặc ngậm lát gừng tươi,…để giảm kích thích và gây ho.

Tuy nhiên, nếu tình trạng ho không cải thiện trong thời gian này, kèm theo đó là các triệu chứng sau đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Sốt
  • Đau ngực
  • Đau đầu
  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn
  • Ho ra máu

Xem thêm: Những căn bệnh này chính là ‘thủ phạm’ gây ho ra máu

5. Điều trị ho như thế nào?

Ho có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho. Thông thường sẽ có 2 phương pháp điều trị chính, đó là:

5.1 Điều trị tại nhà

Không thể điều trị ho do virus bằng thuốc kháng sinh. Vì thế, bạn có thể làm dịu cơn ho bằng các cách sau đây:

  • Uống nhiều nước để cung cấp nước cho cơ thể
  • Kê cao đầu khi ngủ
  • Sử dụng thuốc giảm ho để làm dịu cổ họng
  • Súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên để loại bỏ chất nhầy và làm dịu cổ họng
  • Thêm mật ong hoặc gừng vào trà nóng để uống, nhằm giúp giảm ho và thông đường thở

Ho là gì ? Những nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị 4

Trà gừng kết hợp với mật ong có thể giúp giảm ho, thông đường thở (Nguồn: Internet)

5.2 Điều trị bằng thuốc

Trong trường hợp cơn ho kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bằng thuốc.

Thông thường, bạn sẽ được dùng thuốc trong khoảng 1 tuần để chữa khỏi hoàn toàn cơn ho. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm các loại thuốc long đờm hoặc thuốc giảm ho có chứa codeine.

Nếu bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân gây ho bằng thăm khám thông thường, bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm bổ sung như: chụp X-quang, xét nghiệm máu, phân tích mẫu đờm hoặc chất nhầy để tìm dấu hiệu của vi khuẩn.

6. Ho có thể gây ra nguy hiểm gì nếu không điều trị?

Trong hầu hết các trường hợp, cơn ho sẽ tự biến mất trong vòng một hoặc hai tuần sau khi phát bệnh lần đầu. Cơn ho sinh lý thường không gây ra bất kỳ tổn thương hay triệu chứng lâu dài nào.

Tuy nhiên, nếu ho là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, thì nó sẽ có thể khiến tình trạng bệnh càng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

7. Có thể phòng ngừa ho bằng cách nào?

Để phòng tránh ho, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:

  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây ra ho mãn tính. Từ bỏ hút thuốc lá sẽ giúp hạn ít bị cảm lạnh hoặc ho mãn tính.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Những người có chế độ ăn nhiều trái cây, chất xơ và flavonoid sẽ ít bị các triệu chứng viêm đường hô hấp mãn tính như ho.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh: Nếu có thể, hãy tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh cúm, viêm phế quản.... để tránh sự lây nhiễm virus.
  • Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên và không dùng chung đồ dùng, khăn tắm và các vật dụng cá nhân với người khác.
  • Nghỉ ngơi:Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch, giúp ngăn chặn sự tấn công từ virus.

Phần lớn các trường hợp ho sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ và người lớn tuổi sức đề kháng thường kém nên cần được đảm bảo điều trị kịp thời khi bị ho. Đặc biệt, nếu bị ho liên tục kéo dài, kèm theo các cơn đau, khó thở, sốt cao trên 2 tuần thì dù ở lứa tuổi nào, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ đễ được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Bình luận