Tiểu ra máu là triệu chứng của bệnh gì?

(VOH) - Rất nhiều người bị tiểu ra máu trở nên hoảng sợ vì lo lắng mắc phải bệnh nặng. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân tiểu ra máu thay vì lo lắng, sợ sệt.

1. Phân biệt tiểu ra máu và nước tiểu có màu đỏ

Tiểu ra máu được định nghĩa là trong nước tiểu có một số hồng cầu bất thường.

Khi nước tiểu có lẫn máu, rõ ràng là sức khỏe đang có vấn đề, nhưng khi đó người bệnh nên tỉnh táo quan sát và nhìn nhận lại quá trình ăn uống cũng như dùng thuốc của bản thân trong thời gian qua. Bởi tiểu ra máu và nước tiểu có màu đỏ là 2 tình trạng khác nhau. Tiểu ra máu có thể do một bệnh lý nào đó gây ra, còn nước tiểu có màu đỏ như máu có thể do thuốc làm nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc nước tiểu lẫn máu kinh nguyệt.

tieu-ra-mau-la-trieu-chung-cua-benh-gi-voh-1

Nước tiểu có lẫn máu có sao không? (Nguồn: Internet)

2. Đi tiểu ra máu là bệnh gì?

Tiểu ra máu ở nữ giới và tiểu ra máu ở nam giới thường do các căn bệnh sau đây gây ra:

2.1. Nhiễm trùng đường tiểu

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo và sinh sống trong bàng quang, gây ra nhiễm trùng đường tiểu. Những triệu chứng có thể bao gồm hay mắc tiểu, tiểu đau và nóng rát, nước tiểu nặng mùi, đôi khi tiểu ra máu.

2.2. Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận

Sự kết tủa các khoáng chất có trong nước tiểu có thể hình thành các tinh thể trên thành thận hoặc bàng quang. Dần dần, những tinh thể này chuyển thành những viên sỏi nhỏ, cứng và không gây đau đớn, khiến bạn không thể biết được sự xuất hiện của chúng cho đến khi chúng gây ra tắc nghẽn hoặc được thải ra. Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận có thể gây tiểu ra máu.

2.3. Phì đại tiền liệt tuyến

Sự phì đại tuyến tiền liệt có thể gây chèn ép niệu đạo, dẫn đến tắc nghẽn dòng tiểu, người bệnh có thể bị tiểu ra máu.

2.4. Bệnh về thận

Viêm tiểu cầu thận gây ra viêm hệ thống lọc thận, dẫn đến xuất hiện hồng cầu khó thấy trong nước tiểu.

2.5. Ung thư

Tiểu ra máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường là dấu hiệu cuối của di căn thận, bàng quang hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Ngoài những căn bệnh trên, tiểu ra máu còn có thể do các nguyên nhân khác.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

2.6. Chấn thương thận

Bất kỳ tác động nào đến thận do tai nạn hay chấn thương do hoạt động thể thao có thể gây tiểu ra máu nhìn thấy được.

2.7. Các loại thuốc

Các loại thuốc chữa ung thư như cyclophosphamide (Cytoxan) và penicillin có thể gây tiểu ra máu.

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu ra máu ở phụ nữ và nam giới. Khi nhận thấy có hiện tượng tiểu ra máu, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, xét nghiệm và chẩn đoán. Điều này sẽ giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách hơn.

3. Điều trị tiểu ra máu bằng cách nào?

Hiện nay, tiểu ra máu không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chỉ điều trị những nguyên nhân cơ bản, uống kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, dùng thuốc phòng ngừa sự phì đại tiền liệt tuyến, thuốc làm tan sỏi, sử dụng laser tán sỏi,…Tình trạng tiểu ra máu có thể chấm sau khi nguyên nhân được khắc phục. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng khi nhận thấy có máu trong nước tiểu.

tieu-ra-mau-la-trieu-chung-cua-benh-gi-voh-2

Hãy thăm khám ngay khi bị tiểu ra máu (Nguồn: Internet)

Tuy không thể phòng ngừa hoàn toàn hiện tượng tiểu ra máu nhưng có thể làm giảm nguy cơ bị tiểu ra máu bằng các biện pháp như:

  • Phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu bằng cách uống nhiều nước, đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu hoặc sau khi làm “chuyện ấy”.
  • Vệ sinh đúng cách như lau bộ phận sinh dục từ trước ra sau sau khi đi tiểu, sử dụng các dung dịch vệ sinh nhưng không dùng thường xuyên,…
  • Uống nhiều nước, hạn chế ăn muối, hạn chế các thực phẩm giàu protein gây sỏi urat và các thực phẩm chứa nhiều oxalat như rau bina, rau muống,…
  • Hạn chế hoặc bỏ hẳn hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, duy trì cân nặng và chế độ ăn uống lành mạnh.

4. Tóm lại

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu ra máu, từ việc dùng thuốc cho đến những bệnh lý đường tiết niệu hay thận, bàng quang hoặc thậm chí là ung thư. Bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay khi có triệu chứng này, đặc biệt là khi nó xuất hiện liên tục trong thời gian dài.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới
Bình luận