Viêm gan A: Con đường lây truyền, dấu hiệu nhận biết và phòng tránh

(VOH) - Viêm gan B và C đều là những căn bệnh nguy hiểm và có mức độ lây lan cao, vậy viêm gan A thì sao? Căn bệnh này có nguy hiểm hay không và lây truyền qua những con đường nào?

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm gan A để từ đó biết cách phòng tránh cho chính mình và người thân, đồng thời nhận biết sớm viêm gan A để kịp thời thăm khám và điều trị.

1. Bệnh viêm gan A là gì?

Viêm gan A là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, gây ra bởi virus viêm gan A (hepatitis A virus – HAV). Virus này là một trong nhiều loại virus có khả năng gây viêm và ảnh hưởng đến chức năng gan.

viem-gan-a-con-duong-lay-truyen-dau-hieu-nhan-biet-va-phong-tranh-voh

Viêm gan A có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn vêm gan B và C (Nguồn: Internet)

Viêm gan A thường không có giai đoạn mãn tính và không gây tổn thương vĩnh viễn đối với gan.

Trên thế giới hàng năm ước tính có 1.5 triệu trường hợp mắc bệnh viêm gan siêu vi A, chủ yếu gặp ở châu Á, châu Phi và Đông Âu.

2. Bệnh viêm gan A lây qua đường nào?

Bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), hiếm khi lây qua đường máu vì có rất ít virus viêm gan A trong máu. Những con đường lây truyền viêm gan A phổ biến gồm:

  • Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh.
  • Uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm virus viêm gan A.
  • Ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người bệnh như dùng chung muỗng, đũa, nước chấm, dùng chung khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu,…

viem-gan-a-con-duong-lay-truyen-dau-hieu-nhan-biet-va-phong-tranh-voh

Viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa và đường ăn uống (Nguồn: Internet)

3. Cách nhận biết dấu hiệu viêm gan A

Khi bị lây nhiễm virus viêm gan A bạn thường nhận thấy những triệu chứng sau đây:

  • Sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, có thể đi kèm với đau khớp.
  • Đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng - triệu chứng viêm gan A này thường gặp ở trẻ em.
  • Vàng da, vàng tròng trắng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét.

Các triệu chứng trên thường kéo dài dưới 2 tháng, có trường hợp lên tới 6 tháng rồi tự biến mất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 90% trẻ em nhiễm HAV trước 10 tuổi và phổ biến ở những nước đang phát triển.

4. Bệnh viêm gan A có nguy hiểm không?

Không giống như viêm gan B, virus viêm gan A không gây ra bệnh cảnh viêm gan mạn tính, tức là tình trạng viêm gan không kéo dài quá 6 tháng và rất hiếm khi gây tử vong ở người bệnh. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân tử vong trong bối cảnh của suy gan cấp tính.

Hầu hết các trường hợp viêm gan A cấp tính thường diễn biến nhẹ.

5. Bệnh viêm gan A có chữa được không ?

Điều trị viêm gan A không cần đến thuốc men hoặc các thiết bị y tế. Hầu hết các trường hợp viêm gan A không cần nhập viện, sau khi thăm khám và được chẩn đoán bị viêm gan A, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Cơ thể bệnh nhân sẽ tự đào thải virus viêm gan A sau 2 – 4 tuần nếu có chế độ chăm sóc đúng cách. Theo đó, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi tại nhà, không tiếp tục học tập hay làm việc. Về chế độ ăn uống, người bệnh nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, tránh dùng nhiều thực phẩm có mỡ, đường,... để gan không phải làm việc vất vả.

Trong suốt thời gian mắc bệnh, người bệnh nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác và thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh.

6. Phòng tránh lây nhiễm viêm gan A bằng cách nào?

Để không bị truyền nhiễm virus viêm gan A, ngoài tiêm phòng vắc xin thì bạn nên:

  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi chăm sóc cho bệnh nhân viêm gan A.
  • Dùng riêng dụng cụ ăn uống.
  • Dùng riêng đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
  • Thực hiện ăn chín, uống chín, hạn chế ăn các loại rau sống.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch.
  • Xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh viêm gan A.

7. Đối tượng cần tiêm vắc xin viêm gan A để phòng bệnh

viem-gan-a-con-duong-lay-truyen-dau-hieu-nhan-biet-va-phong-tranh-voh

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh viêm gan A (Nguồn: Internet)

Tất cả trẻ em đều nên tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm gan A với 2 mũi tiêm ở các giai đoạn như sau:

  • Từ 12 đến 23 tháng cho liều đầu tiên.
  • Từ 2 đến 4 tuổi cho liều thứ 2 (hoặc sớm hơn miễn là 6 đến 18 tháng sau liều đầu tiên).

Người trưởng thành cần tiêm vắc xin viêm gan A khi:

  • Đi du lịch đến vùng có bệnh.
  • Sống tại khu vực có mức viêm gan A cao.
  • Đang mắc bệnh gan mãn tính.
  • Làm việc trong phòng thí nghiệm có nghiên cứu virus viêm gan A.
  • Trong gia đình có người mắc bệnh.
  • Bị nhiễm virus viêm gan khác như viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C.
  • Có quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là những người đồng tính nam.

Hiện nay, vắc xin viêm gan A đã được sử dụng trên toàn thế giới và Việt Nam, có tính miễn dịch và độ an toàn cao. Vắc xin viêm gan A đã giúp giảm thiểu đáng kể số lượng ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, có thể tham khảo, tại Hoa Kỳ, lượng người nhiễm virus HAV đã giảm tới 95% kể từ khi vắc xin viêm gan A được đưa vào sử dụng năm 1995.

Bình luận