Chờ...

Hiệu quả thực hiện “Bốn tốt, bốn không, bốn chống” tại BTL Vùng Cảnh sát biển 3

(VOH) - Sau 2 năm triển khai Chỉ thị số 202/CT-BTL đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực từ ý thức tới hành động cho mỗi cán bộ, chiến sĩ

Sau 2 năm triển khai Chỉ thị số 202/CT-BTL của Tư lệnh Cảnh sát biển về việc phát động Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”, đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực từ ý thức tới hành động cho mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (BTLVCSB) 3 để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh Tư lệnh Vùng CSB 3

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh Tư lệnh Vùng CSB 3 trao thưởng cho các tập thể, cá nhân  có thành tích tốt trong thực hiện Chỉ thị số 202/CT-BTL

Theo Chỉ thị số 202, bốn tốt gồm: chính trị, tư tưởng tốt; chuyên môn nghiệp vụ tốt; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật tốt. Bốn không: không đánh cờ bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay nợ tài sản không có khả năng trả lại; không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; không sử dụng rượu bia sai quy định; không hút thuốc lá nơi làm việc, địa điểm công cộng. Bốn chống: chống can thiệp; chống tiếp tay; chống bao che; chống làm ngơ.

Thói quen, nếp nghĩ và hành động hàng ngày

Theo Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy BTLVCSB 3, sau khi có Chỉ thị 202, BTLVCSB 3 đã tiến hành xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung chỉ thị đến toàn thể CBCS trong Vùng. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung trong chỉ thị một cách cụ thể, từng quân nhân đều tiến hành xây dựng các bản cam kết thực hiện nghiêm phong trào; gắn việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để mỗi cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, biến các nội dung chỉ thị trở thành thói quen, nếp nghĩ và hành động hàng ngày, công tác tuyên truyền đã được Đảng ủy, Thủ trưởng Vùng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo như: lồng ghép tuyên truyền Chỉ thị với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, ngày truyền thống của đất nước, của đơn vị và trong các đợt thi đua, hội thi, trong kiểm tra nhận thức hàng năm của đơn vị; đưa nội dung của Chị thị vào trong sinh hoạt chi bộ, đơn vị; sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, trên truyền thanh nội bộ, panô, áp pích tuyên truyền trực quan trong khuôn viên đơn vị. Bên cạnh việc tuyên truyền, để đảm bảo các nội dung, phần việc đăng ký được thực hiện xuyên suốt từ Bộ Tư lệnh đến từng đơn vị, cá nhân, Bộ Tư lệnh Vùng còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chỉ thị một cách thường xuyên, liên tục, nghiêm túc.

Trong các cơ quan, đơn vị trong Vùng, tàu Cảnh sát biển 4031 là một trong những tập thể tiêu biểu thực hiện tốt Chỉ thị thời gian qua. Theo Đại úy Trịnh Đình Ngọc, Thuyền trưởng tàu 4031, trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển cũng như ở bờ, Ban chỉ huy tàu đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó có việc duy trì nghiêm nền nếp, công tác trực sẵn sàng chiến đấu, đồng thời đi sâu vào nắm rõ tâm tư, tình cảm để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ. “Hiện 100% anh em trên tàu an tâm tư tưởng, thực hiện tốt nội quy trên tàu và không có tình trạng đánh cờ bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay nợ tài sản, sử dụng rượu bia sai quy định… xây dựng tàu văn hóa, tàu không khói thuốc lá”, Đại úy Trịnh Đình Ngọc nói.

Không tiếp tay,...bao che tội phạm

Tỉnh BR-VT với đặc thù vùng biển trải rộng, cửa ngõ giao thương quốc tế hàng hải, nên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là nạn buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Khi bị bắt giữ số lượng xăng dầu lớn, giá trị lên đến hàng tỉ đồng, một số đối tượng sẵn sàng sử dụng đủ mọi “chiêu trò” bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp hòng “mua chuộc” lực lượng chức năng. Do đó, việc thực hiện “Bốn chống” (chống can thiệp; chống tiếp tay; chống bao che; chống làm ngơ) đóng vai trò rất quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát biển.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tranh, Trưởng phòng Trinh sát BTLVùng CSB 3, ngoài thực hiện “Bốn tốt, bốn không”, Phòng xác định với đặc thù của lực lượng trinh sát thì việc “Bốn chống” là mấu chốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển.

Đại tá Đỗ Hồng Đó Chính ủy BTl Vùng phát biểu kết luận hội nghị

Đại tá Đỗ Hồng Đó Chính ủy BTL Vùng 3 phát biểu kết luận hội nghị

Để thực hiện việc này, trước mỗi lần tổ công tác trinh sát xuất phát làm nhiệm vụ trên biển, lãnh đạo Phòng đều quán triệt đến CBCS những điều không được làm, đồng thời các tổ khác cũng giám sát lẫn nhau. “Mới đây, khi tổ công tác của Vùng tiến hành bắt giữ một tàu vận chuyển hàng trăm ngàn lít dầu DO trái phép, đối tượng đã liên hệ qua điện thoại với một người và người này liên tục đề nghị muốn gặp chúng tôi. Trước hành vi có dấu hiệu sử dụng vật chất để cám dỗ, mua chuộc, chúng tôi đã từ chối lời đề nghị và tiến hành xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Văn Tranh chia sẻ.

Đánh giá về kết quả sau 2 năm triển khai Chỉ thị 202, Đại tá Đỗ Hồng Đó cho biết, việc thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị  đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật của toàn Vùng có sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt; ý thức, trách nhiệm, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp. 100% CBCS nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị mình đảm nhiệm, phụ trách; chủ động nắm tình hình, nâng cao khả năng tham mưu, chỉ huy trong xử lý công việc; khắc phục tốt những khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại của những năm trước, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quá trình phát hiện, bắt giữ, đấu tranh, xác minh và xử lý các vụ việc vi phạm, phạm tội xảy ra đều thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không có trường hợp chỉ đạo, yêu cầu hoặc can thiệp xử lý vụ việc vi phạm pháp luật làm thay đổi bản chất của vụ việc. Mọi CBCS luôn thể hiện quyết tâm, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, không có hiện tượng tiếp tay, bao che hoặc tư vấn, giúp đỡ đối tượng thực hiện hành vi vi phạm để tránh sự phát hiện, xử lý của pháp luật.

Bình luận