Trường Sa miền nhớ. Bài 1: Con tàu chở những yêu thương

VOH - Chuyến hải trình trên con tàu KN-290 đưa đoàn đại biểu TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc làm trưởng đoàn, đi thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/17.

Mỗi năm Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đều tổ chức các chuyến đi thăm và động viên các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang làm nhiệm vụ canh giữ biên giới các biển, đảo của Tổ quốc.

Truong Sa_Tau KN-290-Doan dai bieu TPHCM-Anh Phuong Dung
Đoàn đại biểu TPHCM trên boong tàu KN-290 - Ảnh: Phương Dung

Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM cho biết: "Chuyến đi thăm lần này, có những người mẹ, người cha đến thăm con đang công tác tại các đảo. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí để cải thiện đời sống vật chất, còn là động viên cho cán bộ, chiến sĩ để các anh luôn yên tâm vì đằng sau mình đã có hậu phương vững chắc".

Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN–290 Đinh Hoàng Giang cho biết: Tàu có đầy đủ thiết bị, việc tác nghiệp hải đồ, vận hành nhẹ nhàng, thuận lợi, có thể đặt chế độ tự động cho nhiều công đoạn như tự động lái, tự động máy... Với anh em nhân viên cơ điện dưới khoang máy, vẫn là tiếng động cơ gầm gào suốt ngày đêm.

Truong Sa_Tau KN-290-Thuyen truong Hoang_Giang-Anh Phuong Dung
Thuyền trưởng tàu KN-290 Đinh Hoàng Giang - Ảnh: Phương Dung

Thuyền trưởng Đinh Hoàng Giang nói thêm: “Khoang máy có nhiệt độ rất cao, tiếng ồn rất lớn. Nhiệt độ dưới khoang máy trung bình khoảng 40 đến 50 độ. Một ca trực là ba tiếng đồng hồ để anh em đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ".

Còn với những người làm bếp, để lúc 6 giờ có bữa cơm đầu tiên cho cả đoàn thì phải dậy từ 3 giờ sán; rồi bữa trưa, bữa tối, bữa phụ... họ đi ngủ sớm nhất lúc 12 giờ đêm. Anh em còn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các thành viên đoàn nếu không dùng cơm có thể chọn món ăn khác.

Hành trình của đoàn với 7 ngày 6 đêm với gần 200 đại biểu đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo để toàn bộ khách được tắm giặt bằng nước ngọt, có đủ rau tươi, thực phẩm cho mỗi ngày 2 bữa chính, 2 bữa phụ cũng lắm công phu.

Truong Sa_Tau KN-290-Chuan bi com-Anh Phuong Dung
Công tác chuẩn bị bữa ăn nóng hổi cho cả tàu - Ảnh: Phương Dung

Cảm thông với nỗi vất vả của anh em, mỗi ngày, các đại biểu sẽ thay phiên nhau cùng tham gia phụ bếp với các chiến sĩ trên tàu.

Chị Võ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Địa bàn 3 - Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM hào hứng: “Khi mình lên tàu, mình không nghĩ là việc chuẩn bị lại vất vả như vậy. Mình thấy các bạn giỏi quá, toàn là nam giới mà còn khéo hơn phụ nữ trong công việc nội trợ".

Là người có đến 10 năm tham gia các chuyến hải trình đến với Trường Sa và các nhà giàn, Đại úy-y sĩ Phạm Thị Hồng Duyến, người được tăng cường làm nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong đoàn, nhưng luôn có mặt để hỗ trợ tổ nuôi quân.

Chị kể, do chị không say sóng nên là đơn vị cũng động viên đi để phục vụ các chị em, nhất là có những khi sóng cấp 7, cấp 8, cấp 9, áp thấp nhiệt đới có đi lên trên tàu thì ngành y thì mình chăm sóc sức khỏe cho đoàn.

Điều kiện thực hiện nhiệm vụ vất vả nhưng ý chí, nghị lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trên tàu thì không có gì so được.

 
Bình luận