Trường Sa ngày trở lại - Bài 1: Những chuyến hải trình không thể nào quên

(VOH) - Để đến được với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây thì các đại biểu TPHCM phải vượt qua hơn 2 ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông.

Từ những năm 1990, TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và các nhà giàn. Mỗi chuyến đi không chỉ mang theo những món quà, nhu yếu phẩm thiết yếu từ sự đóng góp của hàng triệu đồng bào thành phố đến với biên cương hải đảo, mà còn mang theo những yêu thương gửi gắm của người dân trên đất liền. Mỗi hành trình đều để lại trong lòng những thành viên trên chuyến hải trình ấy những ký ức không thể nào phai nhạt. Và khi có dịp được quay trở lại Trường Sa, các đại biểu lại càng xúc động khi chứng kiến sự đổi thay đáng kinh ngạc ở nơi này.

Những tình cảm mãnh liệt đó được phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM ghi lại qua loạt bài "Trường Sa ngày trở lại".

Bài 1:  Những chuyến hải trình không thể nào quên 

Nếu em không yêu lính Hải Quân

Ai nhớ em đêm biển trăng ngần

Những con sóng rì rào ca hát

Bản tình ca bên dòng sông Ngân

 

Nếu em không yêu lính Hải Quân

Ai kể em nghe những gian chuân trên biển

Nơi con tàu đi trong bão táp

Của Đê ka một trước sóng bạc đầu

Đó là những vần thơ mà Đại tá, nhà báo Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh TPHCM đã viết trong một lần đặt chân đến Trường Sa và nhà giàn DK1 từ cách đây hơn mười năm. Ông đã trải qua nhiều vai trò từ một nhiếp ảnh gia, phóng viên hay đại tá quân đội, mỗi khi được đến thăm vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ lại chuyến tàu đầy sóng gió ấy, ông chia sẻ: “Năm 2007 tôi đi trên tàu HQ 624 vào dịp Tết thì sóng dữ dội. Chúng tôi phải chúc Tết qua loa. Tàu nhỏ, có lúc nghiêng đến 45 độ. Có những phóng viên say sóng cả tuần không ăn được nhưng khi lên đảo vẫn say sưa tác nghiệp. Và trong chuyến đi đó tôi đã viết bài thơ Nếu Em Không Yêu Lính Hải Quân trong một lần giao lưu với các chiến sĩ”.

Nằm cách TPHCM hơn 300 hải lý, quần đảo Trường Sa với hơn 100 hòn đảo nhỏ, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn. Để đến được với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây thì các đại biểu TPHCM phải vượt qua hơn 2 ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông. Nếu đi vào những ngày trời yên biển lặng cuộc hành trình diễn ra tương đối yên ả. Nhưng nếu xuất phát khi có sự bất thường của thời tiết thì ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng phải e dè trước những cơn say sóng. Có những chuyến hải trình mà các đại biểu đều mệt mỏi ở mãi trong phòng, những bữa cơm mang ra rồi lại cất đi vì không có người ăn. Vất vả là thế nhưng mỗi khi có chuyến ra thăm các anh, hàng trăm đại biểu hăng hái đăng ký tham gia. Bởi ai cũng có thể đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng để đến được với Trường Sa thì không phải ai cũng có cơ hội.

Trường Sa ngày trở lại - Bài 1: Những chuyến hải trình không thể nào quên 1
Nhà giàn ĐK1

Ngày đó, các đảo và nhà giàn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, tàu ra thăm đảo cũng chưa được trang bị tiện nghi hiện đại như bây giờ. Lắm lúc sóng to gió lớn, những chiếc xuồng nhỏ cũng không thể cập cảng, lúc ấy, người trên bờ, người dưới biển gần nhau gang tấc mà tưởng như cách xa nhau muôn dặm nghìn trùng. Đại biểu Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố nhớ lại chuyến đi cách đây hơn 15 năm vào những ngày tháng 2: “Khi mà đoàn dự định ghé thăm nhà giàn DK1 nhưng sóng gió quá không thể cập bến, không thể chuyển hàng hóa lên được, anh em đứng ra chào, nhìn thấy nhau và muốn rơi nước mắt. Một cảm nhận nữa là các bạn trẻ, các văn nghệ sĩ khi lên tàu bị say sóng rất mệt, nhưng khi lên đảo thì rất nhiệt tình biểu diễn vì biết các anh chiến sĩ đã lâu không nghe tiếng hát. Các bạn muốn hát để các chiến sĩ đỡ nhớ nhà”.

Trong ký ức của Đại biểu Đoàn Văn Thanh, Trường Sa năm 2007 vô cùng khó khăn. Trừ những đảo lớn có đào giếng, có nước ngọt thì các đảo nhỏ đều cần nguồn nước và thực phẩm từ đất liền. Các chiến sĩ phải tiết kiệm từ giọt nước để nấu ăn, trồng rau. Nhưng những khó khăn về vật chất luôn được cán bộ chiến sĩ can trường vượt qua. Chỉ có nỗi nhớ đất liền, thèm tiếng nói đồng bào, cái nắm tay mừng hội ngộ thì không gì có thể khỏa lấp. Thế nên năm 2012, cũng trong những ngày biển động dữ dội, tàu chở đoàn đại biểu TP.HCM không thể ghé bến Thuyền Chài, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một quyết định táo bạo. Đại biểu Đinh Thị Phương Thảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, người có mặt trên chuyến tàu năm ấy xúc động nhớ lại: “Khi đoàn đến thăm đảo Thuyền Chài, nước rút rất cạn và xuồng không thể cập vào đảo. Chị Quyết Tâm đã quyết định cùng các lãnh đạo, nghệ sĩ và phóng viên lội xuống nước để đi vào đảo. Lúc đó khoảng 30 người quàng vai, dìu nhau từng bước 1 để bước chân lên những đám san hô dài hơn 1 cây số. Nhiều anh chị chảy cả máu chân. Nhưng khi vào được với các anh bộ đội thì chúng tôi rất hạnh phúc, không thể nào quên được khoảnh khắc ấy”.

Trường Sa ngày trở lại - Bài 1: Những chuyến hải trình không thể nào quên 2
Đoàn đại biểu TPHCM trên tàu KN290

Chính trên những chuyến tàu đầy sóng gió ấy, những đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh lại càng thấu hiểu và trân quý sự hy sinh của người lính nơi biên cương hải đảo. Được giao nhiệm vụ tổ chức chuyến thăm Trường Sa năm 2012, đại biểu Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thời điểm đó là Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành uỷ TPHCM vừa lo vừa háo hức. Những hình ảnh trong chuyến đi đã trở thành ký ức hạnh phúc không thể quên, để sau này khi cử phóng viên ra thăm Trường Sa hàng năm, ông lại bồi hồi dõi theo để mong ngóng về những đổi thay của biên cương hải đảo. Xúc động khi nhớ lại kỷ niệm lần đầu đặt chân đến Trường Sa, ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng Nói Nhân Dân TPHCM nói: “Ngay khi nhìn điểm đảo đầu tiên chúng tôi đã cảm thấy thân thương mặc dù chưa ai đến. Hạnh phúc nhất là khi tôi được dắt đoàn văn công vào ủy lạo cho các chiến sĩ. Sau đó chúng tôi lại ngồi với các anh. Đồng chí chính ủy đã vui mừng gọi về nhà và nói: Mẹ ơi, hôm nay con được ngồi với ca sĩ Tạ Minh Tâm, với nhạc sĩ Thế Hiển… Và các anh đang hát cho con nghe. Mẹ và vợ nghe nhé. Lúc đó mình cảm nhận được sự thiếu thốn, khát khao của các anh. Và mình cảm thấy hạnh phúc khi mình làm được điều đó cho các anh” .

Còn với nhạc sĩ Ngô Tùng Văn thì dù có nghe bao nhiêu bài viết, nhìn thấy bao nhiêu nhìn ảnh qua sách báo về Trường Sa, cũng khó có được cảm xúc thiêng liêng như khi lần đầu đặt chân đến đây: “Nếu chúng ta được đặt chân đến Trường Sa, đến vùng biên giới phên dậu của đất nước, chúng ta mới cảm nhận được đầy đủ. Những cảm xúc vô cùng thiêng liêng và xúc động. Một hình ảnh không quên là khi đang biểu diễn trên đảo Sơn Ca thì những chiếc máy bay lạ bay qua, mọi người sẵn sàng chiến đấu. Đời sống của các chiến sĩ lúc ấy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Các chiến sĩ phải tiết kiệm từng giọt nước. Ở nơi đó đã có TV, radio, có những mái chùa, trường học". 

Nếu ai chưa từng đặt chân đến đảo chìm và chỉ nhìn thấy qua những bức ảnh thì sẽ khó tưởng tượng ra đời sống của các chiến sĩ ngày ấy khó khăn như thế nào. Ca sĩ Thiên Phú - đội văn nghệ xung kích của TPHCM xúc động kể lại: “Đến khi đến thăm các anh chiến sĩ ở đảo chìm mình thấy rất thương. Lúc đó đảo chìm rất nhỏ, như 1 cồn cát giữa biển, bốn phía xung quanh toàn là nước. Đoàn công tác phải chia nhóm mỗi lần chỉ có khoảng hơn 10 người được lên đảo vì không có chỗ” .

Quả thật khó có thể nói hết những khó khăn mà quân và dân Trường Sa đã trải qua trong những năm tháng ấy. Những thiếu thốn về vật chất, những thử thách khắc nghiệt của thời tiết, của bão tố phong ba không hề làm các chiến sĩ chùn lòng. Chỉ có những khoảnh khắc nhớ đất liền, nhớ người thân đôi chút làm các anh xao xuyến. Thấu hiểu điều đó, những chuyến tàu từ TPHCM cứ đều đặn mỗi năm lại ra khơi để phần nào mang đến sự động viên, niềm tin từ đất liền gửi đến các anh. Và rồi với lời hiệu triệu thiêng liêng: Trường Sa vì nước - cả nước vì Trường Sa, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ra đời là nhịp cầu để người dân ở đất liền đến với biển đảo được gần hơn. Bên cạnh đó là sự góp sức chung lòng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân TPHCM, Trường Sa hôm nay đã đổi khác. Trên chuyến hành trình trở lại hôm nay, nhiều đại biểu đã bất ngờ xúc động trước sức sống mới của biên cương hải đảo hôm nay.

Bình luận