Chờ...

10 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021

(VOH) - Trong tháng 10/2021, các chính sách mới sau sẽ có hiệu lực hỗ trợ các tổ chức, đơn vị, người lao động chịu những ảnh hưởng trước tác động của dịch COVID-19.

Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Hướng dẫn sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng; Quy định mới về đăng kiểm ô tô; Thêm trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2021.

chính sách 1
Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa

Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.

Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Thông tư, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Thông tư nêu rõ về nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn thì định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.

quỷ tín dụng
Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa

Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng, bao gồm cả thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), công ty thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật để theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng sau khi đã xếp hạng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp; thực hiện tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định.

Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

Tổ chức tín dụng chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

Đó là nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá trong Thông tư số 12/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/10/2021.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất giống

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau: Nhập nội, mua bản quyền giống mới; Bình tuyển cây đầu dòng, cây trội; Chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; Nhập nội, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống; Đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ sản xuất giống; Quản lý chất lượng giống.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư để thực hiện một số nội dung khác như: Hỗ trợ chi phí công kỹ thuật, chi phí thức ăn tinh cho vật nuôi để hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống; hỗ trợ thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà chuyên gia trong nước chưa thể thực hiện được; hỗ trợ chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư; hỗ trợ chi phí hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

Thông tư nêu rõ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư thông qua dự án hoặc dự toán do cơ quan quyết định đầu tư hoặc cơ quan được phân công, phân cấp phê duyệt. Thông tư này có hiệu lực từ 4/10/2021.

đăng kiểm ô tôNhiều quy định mới về đăng kiểm ô tô. Ảnh minh họa.

Nhiều quy định mới về đăng kiểm ô tô

Từ 01/10/2021, các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được thực hiện theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

Thông tư mới này có nhiều nội dung mới liên quan đến việc đăng kiểm ô tô, như:

- Đi đăng kiểm không còn phải xuất trình bảo hiểm xe như quy định cũ mà chỉ cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Đồng thời, cần nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với trường hợp xe cải tạo.

- Bốn trường hợp ô tô bị cảnh báo đăng kiểm, gồm: Xe có khiếm khuyết, hư hỏng, kiểm định không đạt; Xe thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định thì đơn vị đăng kiểm sẽ xác minh sự phù hợp của xe trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe, qua xác minh, không phù hợp với xe trên thực tế; Xe tạm nhập, tái xuất; Xe vi phạm giao thông quá hạn giải quyết.

- Tăng thời hạn đăng kiểm xe kinh doanh vận tải đến 09 chỗ từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 06 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo.

- Quy định riêng mẫu tem kiểm định riêng cho xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải, thay vì dùng chung như quy định trước đây…

Thêm trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ

Ngày 01/10/2021 cũng là thời điểm chính thức có hiệu lực của Thông tư 70/2021/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

So với quy định cũ tại Thông tư 293/2016/TT-BTC, điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư 70/2021 đã bổ sung thêm một loại phương tiện được miễn phí sử dụng đường bộ là xe ô tô đặc chủng gồm: xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe ô tô đặc chủng khác của Bộ Công an.

Ngoài ra, các trường hợp khác vẫn được miễn phí như quy định cũ là xe cứu thương, xe chữa cháy, xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe, xe ô tô chuyên chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn…

Ban hành mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 01/10/2021.

Theo đó, ban hành kèm Thông tư này là các mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mới, thay thế cho các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD, gồm:

- Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này. Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú công lập sẽ sử dụng mẫu đơn số 10 về thuê nhà ở xã hội.

Thông tư 09/2021 cũng bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

- Mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở: Áp dụng với các đối tượng là người có công với cách mạng, người lao động trong doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ… (so với quy định cũ, Thông tư 09 đã quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng sử dụng mẫu này)…

máy móc sản xuất trong nước
Ban hành danh mục máy móc, thiết bị,... trong nước đã sản xuất được. Ảnh minh họa

Ban hành danh mục máy móc, thiết bị,... trong nước đã sản xuất được

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Theo đó, Thông tư quy định về các hàng hóa trong nước đã sản xuất được, áp dụng trong phạm vi cả nước đối với người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng; cơ quan hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Các danh mục hàng hóa quy định tại Thông tư là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng chưa được quy định tại Thông tư. Thông tư 05 có hiệu lực kể từ ngày 02/10/2021.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới

Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 15/10/2021.

Trong đó, có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đáng chú ý như sau:

- Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây chỉ tối đa 03 triệu đồng); doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 05 triệu đồng)…

- Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp) với doanh nghiệp siêu nhỏ; với doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp…

Bình luận