Chờ...

2017: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng trên 2,3% so với dự toán

(VOH) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trị Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, TP để triển khai nhiệm vụ phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn lại năm 2017, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc, miền Trung, Nam trung bộ và Tây nguyên làm 387 người chết; thiệt hại về tài sản khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017 Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức. Tình hình quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, có nhiều bất ổn, các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược và có chính sách thương mại, đối ngoại tác động trực tiếp tới nước ta. Ở trong nước, từ đầu năm nay, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn. Kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, chuyển giá, nợ công cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất; nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài cao khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không được thông qua.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và hạn chế trước mắt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một quyết tâm cao, Việt Nam đã giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, đạt 6,81% trong năm 2017.

Để có kết quả đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, đều đạt và vượt kế hoạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Điều đáng chú ý là kết quả tăng trưởng trên trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ hỗ trợ kích cầu ngắn hạn mà tập trung vào nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt; triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định tới tích cực… Đây là những đánh giá khách quan do các tổ chức quốc tế thực hiện. Đến nay, các đơn vị đã cắt giảm trên 5000 thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành đã cắt giảm từ 1/3 đến một nửa thủ tục hành chính như yêu cầu đặt ra của Chính phủ.”

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế xã hội 2017 với những số liệu tích cực như giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%; lạm phát cơ bản tăng 1,41%; tính dụng tăng khoảng 19%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được đảm bảo; mặt bằng lãi suất giảm 0,5 -1%…Tổng thu ngân sách nhà nước tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016. Bội chi ngân sách ở mức 3,42% GDP, thấp so với chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua là 3,5% GDP.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đã vượt quá 420 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu 2,7 tỷ đô la Mỹ. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại được tăng cường; tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,3% GDP.

Với sự chuyển động tích cực của thị trường, năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng đã tăng cao so với năm ngoái. Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương đã nỗ lực lớn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với tinh thần Quốc gia khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127 ngàn doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.5000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của VN tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia. Ngân hàng thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, Thành phố để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 sẽ diễn ra trong 2 ngày (28-19/12).

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Ngoài ra, tại hội nghị này, các đại biểu nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; Kết quả thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Tại Hội nghị, các địa phương và bộ, ngành tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, từ đó thống nhất, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bình luận