Chờ...

4 nhiệm vụ trọng tâm trong phòng chống mua bán người

(VOH) -  Ngày 30/7, Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

“Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt, từ hoàn thiện khung pháp lý cho đến tăng cường thực thi pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

“Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương, cấp uỷ các cấp đã tạo ra những kết quả tốt. Các ngành tư pháp đã phát huy hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án nâng cao lên. Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng là những bằng chứng cho thấy cam kết và nỗ lực thực tế của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với tội phạm mua bán người”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Năm 2020, Liên Hợp Quốc xác định chủ đề truyền thông là “Cam kết giải quyết vấn đề tận gốc, cùng tuyến đầu xóa bỏ mua bán người” như một yêu cầu đối với các quốc gia phải đồng thời thực hiện yêu cầu kép là giải quyết tận gốc nguyên nhân của mua bán người và đấu tranh kiên quyết xoá bỏ loại tội phạm này.

Đối với Việt Nam, việc thực hiện thắng lợi Chương trình phòng, chống mua bán người (Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016-2020 là tiền đề quan trọng để tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai Chương trình 130/CP giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm:

- Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em để có kiến thức, kỹ năng phòng vệ trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm và tích cực tố giác tội phạm. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể hãy phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, bắt kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, xây dựng thông điệp phù hợp các nhóm đối tượng để công tác này thực sự phát huy hiệu quả và có tính lan toả rộng khắp.

- Hai là, tiếp tục phát động phong trào toàn dân phòng, chống mua bán người theo chỉ đạo của Chính phủ để huy động được sức mạnh của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội, kết hợp các biện pháp quản lý hành chính, tuần tra, kiểm soát nhằm sớm phát hiện các đối tượng có biểu hiện liên quan đến mua bán người. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về công tác quản lý Nhà nước trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là tại các địa bàn biên giới.

- Ba là, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng thế trận phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các quốc gia để hợp tác toàn diện về phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra xử lý nghiêm minh các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời nạn nhân bị mua bán. Phó Thủ tướng đánh giá cao chiến công của lực lượng công an do Bộ Công an chỉ đạo vừa phá thành công đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, bắt 4 đối tượng cầm đầu. Tổ chức này hoạt động trong nhiều năm, đã đưa 300 nạn nhân ra nước ngoài.

- Bốn là, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm các hành vi phạm tội mua bán người. Người dân cần chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn, chỉ di cư khi có đủ thông tin. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con kịp thời.

Tại buổi mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng gửi thông điệp “Việt Nam cam kết hết mình, chung lưng cùng tuyến đầu xóa bỏ nạn mua bán người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, với công bằng, dân chủ, văn minh”.

Xử lý sớm tồn tại, vướng mắc của ngành đóng tàu - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có giải pháp xử lý sớm các tồn tại, vướng mắc của ngành đóng tàu.
Thủ tướng chỉ đạo: Tăng tốc truy vết nguồn lây COVID-19 - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 262/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường 

MP 

Bình luận