Chờ...

5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp tới 46,8% GDP cả nước

(VOH) - Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày nội dung cơ bản trong Chương trình hành động của Chính phủ.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trình bày các tham luận về xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị; phát triển hạ tầng giao thông đô thị; kinh nghiệm và định hướng phát triển đô thị tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh; xây dựng đô thị thông minh…

5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp tới 46,8% GDP cả nước 1
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích về vị trí, tiềm năng, thế mạnh của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức không gian phát triển, bố trí nơi ở, sinh hoạt cho người dân.

Đô thị là nơi quy tụ các trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu và nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gắn với đời sống kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Năm 2020, VN có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6/2022.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam cũng còn một số hạn chế: quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi…

Làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai cũng là thách thức hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh cần coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch. Đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực.

Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Bình luận