Chờ...

Bệnh nghề nghiệp mắc nhiều, phát hiện ít

(VOH) - Bệnh nghề nghiệp mắc nhiều, phát hiện ít - nhiều đơn vị sử dụng lao động chỉ khám sức khỏe cho người lao động theo kiểu đối phó, kinh doanh mà không khám chuyên sâu.

Đó là nhận định của TS. BS Trịnh Hồng Lân - Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp - Viện vệ sinh Y tế Công cộng tại hội thảo “Môi trường lao động - bệnh nghề nghiệp” do Hội Y học TPHCM - Hội y học dự phòng  tổ chức ngày 31/10.

Người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường sản xuất bị ô nhiễm. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trong tổng số 29 bệnh nghề nghiệp được Chính phủ công nhận, có 12 bệnh do hóa chất gây ra, chiếm tỷ lệ 42%.

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 28.000 người mắc bệnh nghề nghiệp, và đó chỉ là con số thống kê được, chủ yếu là bệnh bụi phổi. Ngoài ra, tình trạng ngộ độc, nhiễm độc ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.

Theo TS.BS Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường TPHCM, hiện nay vẫn còn nhiều người lao động chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế lao động, bệnh nghề nghiệp và các tác hại nghề nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ cao và đang có xu hướng tăng nhanh: "Bệnh nghề nghiệp có những đặc thù về mặt nghề nghiệp, nên khi có sự hiện diện của những yếu tố mà người lao động làm việc trong môi trường đó một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi bệnh có một triệu chứng, ví dụ điếc thì ảnh hưởng đến 2 tai, bụi phổi silic thì bị trắng phổi trên X-quang, khó thở. Còn viêm phế quản mãn tính thì khó thở dài hạn hay là bệnh viêm da cũng khá phổ biến với người lao động".

Bình luận