Chờ...

Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần

VOH - Bộ LĐTB&XH vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ về Luật BHXH (sửa đổi), đề xuất bổ sung phương án hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Theo Bộ LĐTB&XH, vấn đề bảo hiểm xã hội một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống, kinh tế-xã hội. Tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ LĐTB&XH tổng hợp, xây dựng thành 2 phương án về rút BHXH một lần để báo cáo xin ý kiến Chính phủ.

Phương án 1 quy định quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1 là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Quy định này cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu, hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng thêm 5 quyền lợi.

Đó là người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;

Hưởng bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động;

Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần 1
Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh minh họa: VGP

Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/1/2025), nhóm đối tượng này không được nhận bảo hiểm xã hội một lần trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Ưu điểm của phương án 1 sẽ dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực, nên đối với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực. 

Phương án hài hòa lợi ích, tăng cơ hội cho người lao động

Phương án 2 Bộ LĐTB&XH đưa ra là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ".

Ưu điểm của phương án này là hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. 

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐTB&XH nhận định đây là phương án vừa bảo đảm được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn

Nhược điểm của phương án 2 là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi.

Phương án này có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

Bộ LĐTB&XH, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với cả 2 phương án trên.

Bình luận