Chờ...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nợ xây dựng cơ bản phần lớn ở các địa phương

VOH - Số liệu cho thấy số nợ ở các Bộ, ngành Trung ương rất ít, nhưng tương đối lớn ở các địa phương, đặc biệt là từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện.

Sáng 7/6, tiếp thu, giải trình và làm rõ những vấn đề được các đại biểu nêu tại thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số liệu thực hiện ngân sách năm 2022, bao gồm dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 có sự chênh lệch so với báo cáo quyết toán.

Lý do chênh lệch bởi khi dự báo tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ Tài chính căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Khi thực hiện ngân sách sẽ liên quan đến các vấn đề phát sinh trùng vào cuối năm nên số liệu có sự khác biệt.

Về nguyên nhân dẫn tới chi chuyển nguồn ngân sách tăng cao năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn số liệu chuyển nguồn của ngân sách năm 2022 sang năm 2023.

Thực hiện cải cách tiền lương là 432.350 tỷ đồng (chiếm 37,7%); chi đầu tư phát triển là 313.165 tỷ đồng (chiếm 27,3%). Số chi chuyển nguồn và chi tăng thu tiết kiệm chi 287.374 tỷ đồng (chiếm 25%) và các khoản chi dự toán, được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9/2022 là 20.397 tỷ đồng (chiếm 1,8%); kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nhà nước là 9.986 tỷ đồng (chiếm 0,87%); kinh phí nghiên cứu khoa học là 4.160 tỷ đồng và các kinh phí mua sắm thiết bị…

Bộ trưởng nêu rõ qua số liệu có thể thấy chi chuyển nguồn cao chủ yếu là do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cách tiền lương là rất là cao. Ngoài ra, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và đều được thực hiện trong năm, tuy nhiên do chưa được thanh toán nên được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.

Ông Phớc nói thêm “Bộ Tài chính sẽ cố gắng và đặc biệt là các Bộ, ngành và các địa phương phải thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn ngày một giảm đi”.

phoc2-s
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đối những khoản chi đều đạt thấp trong năm 2022 như các đại biểu nêu, chẳng hạn như chi đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thường kỳ đầu năm, các khoản chi đầu tư bao giờ cũng thấp. Như trong năm 2024, trong 5 tháng đầu năm hiện chưa giải ngân được 17% nên số chi này thường được đẩy vào cuối năm.

Nguyên nhân do những tháng đầu năm là thời gian bắt đầu lập thủ tục đầu tư, làm công tác chuẩn bị đầu tư như lập dự án, phê duyệt dự án, lập thiết kế, tổng dự toán, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán đền bù giải phóng mặt bằng sau đó mới đến thủ tục triển khai, do đó số chi thấp.

Về những băn khoăn của các đại biểu cho rằng công tác dự toán ngân sách không sát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022 là năm dịch Covid-19, nên những tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế rất thấp. Nhưng từ quý III/2022, tăng trưởng kinh tế vọt lên 13,67% và đến cuối năm 2022 tăng trưởng đạt 8,02% là một sự nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng trưởng GDP, quá trình này cũng dẫn đến số thu ngân sách tăng lên.

Giải trình về các khoản nợ xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan tài chính tổng hợp các khoản nợ từ các Bộ, ngành và các địa phương chuyển qua. Số liệu cho thấy nợ ở các Bộ, ngành Trung ương rất ít, nhưng ở các địa phương, đặc biệt là từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện các khoản nợ xây dựng cơ bản tương đối lớn.

Có tình trạng này là khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khoản để thanh toán cho các dự án được bố trí thiếu hoặc chưa bố trí. Do đó những dự án cũ mặc dù đã hoàn thành hoặc có khối lượng nhưng không được bố trí kinh phí, vì thế HĐND, UBND các cấp phải kiểm soát vấn đề này.

Những khoản nợ còn phát sinh khi dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, như tổng mức đầu tư đầu tư không kịp thời, dẫn đến ngân sách địa phương không bố trí kịp. Đặc biệt, nợ lớn đến từ các dự án khi hoàn thành khối lượng nhưng chưa gửi đến UBND các cấp để xác định đó là khoản nợ, hay cần quyết toán đã hoàn thành để phê duyệt quyết toán trong khi chưa được đề xuất để bố trí vào đầu tư trung hạn.

Bình luận