Chờ...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD

VOH - Từ ngày 7-8/6/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023 tại Pháp.

Với chủ đề “Đảm bảo tương lai tự cường: Các giá trị chung và đối tác toàn cầu,” hội nghị là sự kiện quan trọng nhất của OECD trong năm 2023 có sự tham gia của bộ trưởng các quốc gia thành viên OECD và các nước khách mời, lãnh đạo Ủy ban châu  u và nhiều tổ chức quốc tế, đại diện Mạng lưới doanh nghiệp OECD…

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị với tư cách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD 1
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về Tăng trưởng bao trùm và bền vững - Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ tăng trưởng ở mức 2,7%, điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 3/2023, trong khi tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 vẫn ở mức 2,9%.

Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn ổn định hơn, song những tín hiệu tích cực còn rất mong manh và những rủi ro tiếp tục hiện hữu.

OECD đánh giá châu Á là động lực thúc đẩy tăng trưởng và là điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong 2 năm 2023 và 2024.

Trên cơ sở dự báo của OECD, các bộ trưởng đã thảo luận những biện pháp nhằm tạo ra các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, đa dạng hoá và tự cường hoá chuỗi cung ứng, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng các quy định ở phạm vi toàn cầu liên quan đến các công nghệ mới…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tăng trưởng chỉ có thể bền vững và bao trùm với cách tiếp cận toàn cầu, tổng thể, đặt người dân ở vị trí trung tâm.

Các quốc gia cần tiếp tục kiến tạo những động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng đến một hệ sinh thái xanh hơn, sạch hơn và thông minh hơn;

Quá trình này cần triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng từ thể chế chính sách đến thiết chế bộ máy, từ hạ tầng đến công nghệ, từ đầu tư tài chính đến đào tạo nhân lực, bảo đảm không một ai hay quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực giải quyết thách thức khu vực và toàn cầu.

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á và OECD, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á lần thứ hai vào tháng 10/2023.

Bình luận