Chờ...

Cải cách tiền lương: phải mạnh mẽ, căn bản hơn

(VOH) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng lần cải cách tiền lương này sẽ tiếp nối thành tựu của các lần cải cách trước đây và Đảng, Nhà nước mong muốn phải cải cách mạnh mẽ, căn bản hơn.

Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị cùng sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế, tiền lương, lao động-công đoàn và giới doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp Ban Soạn thảo Đề án Cải cách tiền lương tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quý báu hoàn thiện Đề án, trình Trung ương thảo luận vào giữa năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: DĐDN

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo về việc xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng lần cải cách tiền lương này sẽ tiếp nối thành tựu của các lần cải cách trước đây và Đảng, Nhà nước mong muốn phải cải cách mạnh mẽ, căn bản hơn.

Với việc cải cách tiền lương trong khối hành chính nhà nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Tổ soạn thảo Đề án nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo ví trí việc làm khi coi đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nền hành chính năng động.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trả lương theo chức nghiệp là việc sắp xếp vị trí vào các ngạch lương nhất định và mỗi ngạch có nhiều bậc. Cách thức này tạo ra ổn định trong hệ thống công chức để gắn bó lâu dài, làm việc suốt đời trong hệ thống hành chính, tạo ra hệ thống thang bảng lương đơn giản, thăng tiến dựa vào thâm niên và trình độ đào tạo nhưng ít tạo động lực cạnh tranh, phấn đấu theo hiệu quả và làm tăng biên chế.

Còn trả lương theo vị trí việc làm là trả lương theo thứ bậc, tính chất công việc gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Với cách thức này sẽ kích thích cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhưng có nhược điểm là thiếu ổn định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết kinh nghiệm của nhiều nước là áp dụng linh hoạt 2 hình thức này và đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ cách thức áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, cho rằng mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối. Ngoài ra, nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực.

Phó Thủ tướng cũng tán thành với việc rà soát lại các loại phụ cấp, phụ cấp nào gắn với chức nghiệp việc làm thì tính vào tiền lương, còn phụ cấp khác thì duy trì, tránh việc phụ cấp thành thu nhập chính, phụ cấp chỉ chiếm khoảng 30% quỹ tiền lương, còn lại 70% là thu nhập từ lương.

Đề án cũng cần thiết kế phần thưởng trong quỹ lương và trao quyền cho người sử dụng lao động chi trả. Ngoài ra, quy định chủ trương về lương “mềm” trên cơ sở khả năng ngân sách của từng địa phương, áp dụng thực hiện trả lương cho khối hành chính cao hơn quy định như Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng.

Đối với khu vực sản xuất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần nhận thức được việc nhà nước phải có quy định mức lương tối thiểu, bảo đảm không người lao động nào được trả thấp hơn mức này, tránh việc bần cùng hóa, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề giới. Đồng thời, Trưởng Ban đề nghị cần làm rõ nhận thức khác về mức lương tối thiểu không phải là căn cứ để trả lương người lao động.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải có lương tối thiểu giờ, luật hóa lương tối thiểu để xác định phương pháp tính toán gắn với mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số lạm phát mà không nhất thiết phải điều chỉnh hằng năm.

Bình luận