Chờ...

Cần đánh giá lại toàn diện vai trò thủy điện vừa và nhỏ để phòng ngừa thiên tai ở miền Trung

(VOH) - Nguồn thủy điện và nguồn điện của quốc gia không thiếu. Không nên đánh đổi hàng ngàn hecta rừng để làm thủy điện.

Thiên tai bão lũ xảy ra ở khu vực miền Trung nước ta với mức độ ngày càng nghiêm trọng buộc Chính Phủ phải xem xét lại các nguyên nhân chủ quan bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề cấp bách hiện nay là cần nghiêm túc đánh giá lại tác động tiêu cực của các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung, tương quan với lợi ích đem lại từ các công trình này, để cân nhắc liệu có nên đánh đổi hàng ngàn hecta rừng để phát triển thủy điện. Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, việc đánh đổi này là không nên. 

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận chia sẻ về vấn đề này với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

*VOH: Thưa tiến sĩ, với đặc điểm địa hình khu vực miền Trung nước ta thì từ lâu đây là vùng đất phải thường xuyên hứng chịu thiên tai bão lũ. Thời gian gần đây, bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ và sạt lở núi đồi liên tiếp xảy ra. Ông cho rằng, hậu quả như hôm nay hoàn toàn có thể ngăn ngừa phòng tránh hay đó là những sự cố thiên nhiên bất ngờ ngoài sức chống đỡ của con người?

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận: Theo tôi, biến đổi khí hậu diễn biến theo chiều hướng phức tạp tăng dần là có thật, tuy nhiên thời gian qua bão lụt ở miền Trung gây rất nhiều thiệt hại thì nguyên nhân đến từ cả hai phía, biến đổi khí hậu và tác động của con người gây nên.

Biến đổi khí hậu theo quy luật tự nhiên thì thường có chu kỳ nhất định. Quy luật tự nhiên là “nắng lắm thì mưa nhiều”. Năm 2019 và 2020 miền Trung nắng rất nóng và thời gian nắng nóng kéo dài, có khi đến 3 tháng. Nhiệt độ bình quân của miền Trung trong những năm qua trung bình 38 đến 39 độ C. Đó là quy luật thay đổi của tự nhiên, khi nắng lắm sẽ mưa nhiều.

Tác nhân của con người gây nên biến đổi khí hậu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với miền Trung là có. Chẳng hạn một con sông mà gánh trên dưới 10 thủy điện nhỏ. Trong quá trình thực hiện thủy điện thì phá rất nhiều rừng. Một thủy điện khoảng từ 8 đến 9 MW thì tàn phá khoảng 200 hecta rừng từ đầu nguồn đến hạ nguồn, tác động đến lưu lượng nước trong mùa mưa bão là rất lớn.

Khi có rừng nguyên sinh thì có lớp thực vật rất lớn từ tán lá cây rừng rụng. Hằng năm tán lá rừng còn gọi là thảm thực vật dày khoảng 2 tấc. Khi có mưa lũ xuất hiện trên vùng thượng lưu, nước mưa rớt xuống theo sườn đồi với độ nghiêng nhất định thì sẽ chuyển dần và thẩm thấu, khi đó thảm thực vật sẽ cản được rất nhiều dòng chảy.

Một lá cây giữ khoảng 3ml nước nhưng hàng triệu lá cây thẩm thấu qua lớp mùn hoang hóa thì tạo dòng chảy chậm hơn và giữ độ thẩm thấu trên bề mặt lâu hơn chứ không phải như hiện nay khi mưa xuống là tuột xuống dốc, xuống các hệ thống sông suối, tốc độ chảy rất lớn, gây ra hậu quả lũ lụt lớn. Đặc biệt là đất bazan, khi lượng mưa lớn ngấm trực diện xuống rừng, thì việc sạt lở đối là không khó hiểu.

*VOH: Để có thể tồn tại trên mảnh đất miền Trung, ông cha ta từ xưa đã tìm nhiều phương cách để sống chung với bão như làm nhà có tường thấp, có hầm trú ẩn phòng khi gió lớn... hoặc để phòng tránh lũ thì làm nhà ở nơi cao, có sàn để đồ đạc gần mái nhà, có tù và, mõ, trống cảnh báo....Thiên tai không còn xa lạ gì với người dân miền Trung nhưng trước những diễn biến phức tạp hiện nay, ông có cảnh báo nào? Cần có những hành động kịp thời gì để giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra?

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận: Để phòng chống thiên tai bão lũ, người dân đào hầm tránh bão hoặc xây nhà cao chống lũ thì đó không phải là chương trình phòng chống bền vững bởi vì rất tốn kém mà không thể phòng chống được bão lũ, hạn hán.

Vừa rồi bão cấp 8 cấp 9 cấp 10, lượng mưa từ 70 đến 200, 300mm cục bộ. Lượng mưa đó đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay và đó là quy luật tự nhiên.

Khí hậu có biến đổi theo hướng phức tạp hơn nhưng không có nghĩa là quá phức tạp đến mức không phòng ngừa được. Bão lụt ở miền Trung thì tôi cho rằng liên quan đến phá rừng, trồng rừng. Thứ hai, việc phát triển thủy điện ít nhiều sẽ gây thêm hậu quả so với việc để lại rừng nguyên sinh.

Theo tôi, để phòng ngừa tốt hơn, chúng ta nên xem xét kỹ các chương trình trồng rừng, phá rừng làm thủy điện. Nên có kế hoạch đánh giá những khu rừng phòng hộ, khu rừng đã cạn kiệt để gây rừng cho phù hợp.

Thứ hai, trồng rừng thì không nên có cửa rừng, chống những thành phần phá rừng cục bộ. Thời gian qua, chúng ta thấy có những khu rừng nguyên sinh, có xử lý thế nào thì vẫn có những vụ chặt phá rừng hàng trăm hecta.

Các nước như Campuchia, rừng không có cửa rừng. Ai mà xuất hiện trong rừng là người đó đã vi phạm. Có nhiều cách xử lý răn đe và có những chế tài mạnh hơn thì chúng ta mới bảo vệ được rừng.

Trong phát triển thủy điện ở miền Trung, tôi cho rằng đó cũng có yếu tố phá rừng. Chúng ta đánh đổi một thủy điện nhỏ, giá trị mang lại rất thấp nhưng hệ lụy là rất lớn. Khi phá rừng thì phải có những hồ chứa trên diện rộng. Khi sông hẹp thì sông dài, mà thường sông hẹp sông dài thì dọc theo hạ lưu hoặc dọc theo sườn đồi, lưu giữ các hồ chứa nước từ 3 đến 4 triệu mét khối, lúc đó diện tích rừng tự nhiên mất rất lớn.

Tôi nghĩ Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn về vấn đề bảo vệ rừng và cần loại bỏ hết tất cả thủy điện dọc dòng sông, không đáng để tích nước sử dụng thủy điện dưới 10 MW.

Bản chất thủy điện có chức năng là điều tiết lũ thì nước ta chỉ có 6 thủy điện đa mục tiêu, lưu giữ nước trong mùa mưa bão và xả dần trong mùa khô để phát điện.

Còn lại những thủy điện nhỏ lẻ ở miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị thì cần xem xét nghiêm túc. Những gì thực hiện rồi thì cần xem xét lại quy mô, cái nào có chủ trương chưa triển khai thì nên dừng để phát triển những hệ sinh thái khác thay cho thủy điện.

Nguồn thủy điện và nguồn điện của quốc gia chúng ta không thiếu, không nên đánh đổi hàng ngàn hecta rừng để làm thủy điện. 

Thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) xảy ra sự cố vỡ thân đập trước khi phát điện (năm 2017) khiến người dân âu lo - Ảnh: SGGP

*VOH: Trong phạm vi nghiên cứu của mình, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ở các quốc gia tiên tiến trong vấn đề ứng phó với thiên tai ?

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận: Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá khoa học liên quan đến tài nguyên và môi trường thì chúng tôi cũng có những chương trình rút ra được từ thực tiễn của các nước như Mỹ, Anh, Pháp và các nước châu Âu trong phát triển các công trình gây nên biến đổi khí hậu.

Như ở Hoa Kỳ thì từ sau 1975 tới nay, chính phủ nước này đã ra những chỉ thị là chống phát triển thủy điện. Từ đó tới nay tại nước Mỹ đã phá hơn 3.000 thủy điện lớn nhỏ để giải thoát những khu vực được cho là tác động rất lớn đến khu dân cư. Người ta hạn chế tối đa về phát triển thủy điện.

Tôi được biết, chủ trương phát triển thủy điện dưới 10MW thì giao cho địa phương quyết định về chủ trương đầu tư. Tôi cho rằng là bất cập. Chúng ta phải quản lý hệ thống này trên toàn quốc.

Miền Nam ít mưa bão thì có thể phát triển thủy điện. Đối với miền Trung thì mưa lũ, bão lụt quanh năm, chúng ta ó thể có những thủy điện nhỏ theo địa hình phù hợp nhưng tác động về việc phá rừng, gây hậu quả nghiêm trọng về mưa bão trong tương lai hoặc hiện tại thì chưa có một báo cáo đánh giá nào cụ thể.

Tôi cho rằng việc hạn chế mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng, sạt lở đất thì vấn đề gây rừng và trồng rừng là việc nên làm. Khi gây rừng và trồng rừng thì đương nhiên vấn đề thủy điện phải hạn chế tối đa. Cố gắng làm sao khi phát triển rừng, không được như rừng già nguyên sinh thì cũng phải phát triển thảm thực vật thông thường để bảo vệ vùng đất rừng.

*VOH: Cảm ơn ông

Bình luận