Chờ...

Cần làm rõ nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh

VOH - Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, tên luật là về công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhưng nội hàm dự thảo luật chưa đề cập tới trình độ khoa học, công nghệ đối với quốc phòng, an ninh.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh là sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu, hay chỉ là sửa chữa, sản xuất quân tư trang.

Cần làm rõ nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, cần xem lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm dự thảo luật. Trong dự thảo luật không đề cập tới chức năng cũng như quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp.

Phạm vi điều chỉnh của luật cần được điều chỉnh lại như sau: Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, chuẩn bị thực hành động viên công nghiệp, quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. 

Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật chưa đề cập tới đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một Điều về đối tượng áp dụng, trong đó nêu rõ: luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. 

Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm những hoạt động nào, đồng thời cần giải thích rõ ràng ý nghĩa của các khái niệm: cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp đặc biệt.

Cần làm rõ nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh 2
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Thảo luận về án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng luật dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề rất quan trọng, cần được hết sức quan tâm đặc thù và ưu tiên.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lượng hóa cụ thể tỉ lệ góp vốn để thực hiện được thông suốt. Đề nghị bổ sung trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỉ lệ góp vốn chiếm từ 51% trở lên, tức là không thuộc đối tượng động viên công nghiệp nhưng được thực hiện theo lời kêu gọi của Nhà nước Việt Nam khi đất nước xảy ra tình trạng chiến tranh. Đại biểu cho rằng, đây là quy định mở hết sức cần thiết.

Về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi chuyển đổi các tài sản do Nhà nước giao cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp, an ninh hoặc giao cho doanh nghiệp hoàn thiện dây truyền động viên công nghiệp để phù hợp với các pháp luật liên quan.

Bình luận