Chờ...

Cần nâng cao nhận thức chủ quyền quốc gia trong việc bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa

(VOH) - 31 năm đã trôi qua thế nhưng sự kiện lịch sử ngày 14/03/1988 mãi khắc ghi trong tâm khảm người dân nước Việt.

64 chiến sĩ đã nằm lại giữa lòng Trường Sa, nỗi đau mang tên Gạc Ma vẫn còn đó… 31 năm chưa phải là dài so với lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước nhưng cũng đủ để chúng ta chiêm nghiệm về lẽ được - mất; về nỗi niềm riêng - chung, khi máu cha anh mình nhuộm đỏ cả Trường Sa.

Tưởng nhớ các chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh minh họa: TTO

Tưởng nhớ các chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh minh họa: TTO

VOH phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về sự kiện ngày 14/3 cũng như những bài học cho Việt Nam trong giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay.

VOH: Nhìn lại sự kiện ngày 14/3/1988, khi Trung Quốc đưa quân đánh chiếm các đảo ở Trường Sa của Việt Nam. 31 năm đã trôi qua, cảm xúc của ông khi nhớ về sự kiện này ra sao?

Ông Trần Công Trục: Kính thưa quý vị thính giả của Đài TNND TPHCM thân mến. Có lẽ hằng năm, đến ngày 14/03, tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam khác lại đau đáu nhớ về 64 chiến sĩ cán bộ công binh của Hải quân Nhân dân Việt Nam, anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ mà chúng ta hay gọi là sự kiện Gạc Ma. Có lẽ tôi và đồng bào ở TPHCM hãy dành phút mặc niệm và thắp một nén nhang thơm để tưởng nhớ, tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống trong sự kiện Gạc Ma 1988 - Cũng như những người con đất Việt đã từng ngã xuống để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi với tư cách là một người công dân VN và là người nghiên cứu lĩnh vực này cũng có nhiều điều muốn chia sẻ với quý vị thính giả.

VOH: Hiện nhiều người vẫn hay gọi đây là Hải chiến Trường Sa? Chúng ta cần nhìn nhận đúng bản chất sự kiện ngày 14/3 như thế nào?

Ông Trần Công Trục: Qủa thật đây là vấn đề mà chúng ta vẫn nghe rất nhiều người đề cập đến sự kiện ngày 14/03/1988. Nhưng nội hàm của nó và bản chất của nó là gì? Chúng ta từng nghe nói đây là Hải chiến Trường Sa; Là cuộc phản kích tự vệ theo phía Trung Quốc hoặc là việc cưỡng chiếm của quân đội Trung Quốc đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của VN và các chiến sĩ cán bộ công binh đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ các thực thể ở quần đảo Trường Sa… Có một sự nghiên cứu khách quan và theo quan điểm của chúng tôi thì đây là sự cưỡng chiếm của Trung Quốc với 6 thực thể ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của VN.

VOH: 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và đây là sự kiện lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước của ông cha ta. Vậy thì bài học mà Việt Nam rút ra được sau sự kiện này là gì, thưa ông?

Ông Trần Công Trục: Với tư cách là người nghiên cứu về mặt pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VN trong tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo tôi, bài học mà VN có thể rút ra được có hai nội dung rất quan trọng. Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức chủ quyền quốc gia hơn nữa trong việc bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và từ đó cảnh giác trước âm mưu, tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Bài học Gạc Ma là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Chúng ta biết rằng VN là nước có chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài học Gạc Ma cho thấy nếu chúng ta lơ là cảnh giác thì không những chỉ mất Gạc Ma mà còn có thể mất nhiều hơn nữa. Thứ hai là việc củng cố, nâng cao năng lực phòng thủ cũng như chăm lo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trên các đảo Trường Sa là việc làm bình thường và hợp pháp, cần thiết trong phạm vi luật pháp quốc tế. Chúng ta không quân sự hóa, trang bị tên lửa, ra đa… để đe dọa bất kỳ nước nào cũng như đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông.  

VOH: Hiện nay, các sự kiện lịch sử như: Hải chiến Hoàng Sa, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc hay sự kiện ngày 14/3/1988... đã được truyền thông nhắc đến nhiều sau thời gian dài im lắng. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Công Trục: Thời gian gần đây, báo chí nước nhà đã tuyên truyền khá đậm nét cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979, cũng như sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974 và các đảo ở Trường Sa 1988… là việc theo chúng tôi là cần thiết, đáp ứng mong đợi của nhân dân VN và bạn bè quốc tế gần xa. Tuy nhiên trong dư luận hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi thì vẫn còn tồn tại những thông tin thiếu chuẩn xác, thậm chí có sự xuyên tạc lịch sử, bẻ cong sự thật nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị đen tối, để kích động biểu tình, lật đổ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây chia rẽ giữa VN và các nước láng giềng. Chúng tôi cho rằng dù lòng yêu nước có nồng nàn đến đâu nhưng nếu thiếu thông tin chuẩn xác, còn mơ hồ thì rất dễ trở thành kẻ phá hoại. Vô tình châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi dễ dẫn tới bất ổn xã hội, xung đột chiến tranh, bị chính kẻ thù lợi dụng.

VOH: Việt Nam cần làm gì trong giải quyết tranh chấp Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình? 

Ông Trần Công Trục: Các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta tại Biển Đông cũng như chủ quyền không thể chối cãi tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Chúng tôi nghĩ rằng cần có nhiều giải pháp, một mặt để đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta tại Biển Đông cũng như chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh, hòa bình trong khu vực và quốc tế, không để cho những tranh chấp, xung đột đó gây nên những cuộc chiến tranh tàn khốc, tàn bạo. Cho nên có lẽ chúng ta cần tiếp tục giáo dục, nâng cao công tác tuyên truyền, đặc biệt chúng ta cần phải công khai, công bố những thông tin chuẩn xác, đúng sự thật lịch sử. Không để cho kẻ thù lợi dụng, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ của chúng ta và gây chia rẻ với những nước láng giềng mà chúng ta đang cố gắng hợp tác, xây dựng để cùng phát triển hòa bình trong khu vực.

VOH : Cảm ơn ông! 

Bình luận