Chờ...

Cần nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại trẻ em

(VOH) - Hôm nay 19/6, quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình cao với việc thông qua Nghị quyết sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em thời gian tới.

Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà ở cả những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như: cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em…Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như: xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình, việc thông qua Nghị quyết là rất đúng đắn có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng: "Nghị quyết này nếu được thông qua góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân, đặc biệt là các cơ quan lập pháp, giám sát quyết định những vấn đề quan trong như: công an, tòa án, viện kiểm sát và cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các trường hợp để tình trạng xâm hại trẻ em không thể xảy ra. Đối với cơ quan pháp luật hoặc lĩnh vực có liên quan đến soạn thảo về Luật cũng phải xem xét cần kiến nghị với Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi những vấn đề gì còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những vấn đề gì trong quá trình xử phạt mà chưa xứng tầm để ngăn chặn, răn đe các đối tượng".

Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm h

Hôm nay 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Ảnh: Quốc hội

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng công tác phòng ngừa là chính như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn Bình Phước nêu ý kiến: "Để nâng cao công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cơ quan cần đổi mới cách tuyên truyền thay vì chỉ phát tờ rơi, hay tài liệu giấy về phòng chống bạo lực gia đình thì bây giờ tuyên truyền lên hệ thống công nghệ thông tin, mạng Internet. Trường hợp nào đáng lên án chúng ta lấy dư luận xã hội để tuyên truyền rộng rãi và cảnh báo cho người dân, cảnh báo cho chị em phụ nữ phải tự bảo vệ chính mình, mặc dù ở trong gia đình nhưng đòi hỏi cũng phải có những kỹ năng để ứng phó".

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại, như rút ngắn thời gian giám định đặc thù, có phòng xét xử riêng… Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị: "Khi trẻ em bị xâm hại được các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gia đình tố cáo cho các cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng phải kịp thời xử lý nhanh chóng. Vấn đề giám định trẻ em bị xâm hại để xử lý thích đáng đối tượng xâm hại trẻ em là rất khó khăn. Muốn xử lý đối tượng này đòi hỏi phải giám định, có nhân chứng, vật chứng cụ thể rõ ràng. Thời gian qua, nhiều sự việc xảy ra rồi thì gia đình mới tố cáo cho cơ quan công an, lúc đó việc giám định không còn lại dấu vết, vật chứng kèm theo không có nên rất khó xử lý".

Bình luận