Chờ...

Cần phát huy vai trò của chuyên gia, nhân vật tiêu biểu trong việc giám sát, phản biện xã hội

(VOH) - Qua thực hiện các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và chỉ thị số 19, nhìn chung, công tác giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp ở TPHCM từng bước đi vào nề nếp, thực chất hơn, hiệu quả hơn

Sáng nay 17/01, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị khóa 11 về việc các đoàn thể tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về đánh giá kết quả  thực hiện  công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố trong 05 năm (2014 - 2018). 

MTTQ,  chỉ thị số 19, quyết định 217, 218

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP trao bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy.

5 năm qua, thực hiện các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và chỉ thị số 19 của Thành ủy, MTTQ TPHCM đã chọn một số quận huyện để thí điểm, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm; tham mưu cho Thành ủy ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tiếp thu góp ý; ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật…

Song song đó, MTTQ các cấp tập trung, ưu tiên giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai sót, giám sát các vấn đề người dân bức xúc, quan tâm. Đây là những căn cứ để cán bộ mặt trận phối hợp với các đoàn thể khác và người dân thực hiện chức năng góp ý, giám sát của mình được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Người dân ở các xã phường, thị trấn của TP đã có hơn 3.300 cuộc giám sát, qua đó gửi hơn 800 văn bản kiến nghị và khoảng 80% các kiến nghị này được giải quyết. Trong 05 năm, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tổ chức được 456 Hội nghị phản biện xã hội, đồng thời tổ chức phản biện xã hội thông qua hình thức gửi văn bản đối với 590 văn bản.

Qua thực hiện các quyết định, chỉ thị này, nhìn chung, công tác giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp ở TPHCM từng bước đi vào nề nếp, thực chất hơn, hiệu quả hơn. Đối với các chương trình phối hợp giám sát, Ủy ban MTTQ TP chưa thực hiện được nhiều nhưng các nội dung, vụ việc được giám sát cụ thể, rõ ràng, thể hiện được trách nhiệm, vai trò của mặt trận. Thời gian tới, MTTQ TPHCM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát, góp ý xây dựng theo hướng gắn với thực tiễn ở cơ sở, có định lượng rõ ràng.

MTTQ,  chỉ thị số 19, quyết định 217, 218

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP trao bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Quận 7 là đơn vị được đánh giá có nhiều sáng kiến hay và xử lý hiệu quả việc giám sát thông qua phản ánh của người dân. Bà Phạm Thị Thúy Hà – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 7, cho biết một số kinh nghiệm: "Khi tiếp nhận thông tin thì Ban thường trực Mặt trận quận cử một đồng chí chủ tịch và một chuyên viên phụ trách mảng dân chủ pháp luật nghiên cứu các nội dung phản ánh trên cơ sở đó tiến hành khảo sát và thu thập các thông tin xem chính xác ở mức nào và có thật hay không.

Sau đó tổng hợp lại và báo cáo cho thường trực Quận ủy. Tôi thấy đây là một trong những cách làm mang lại hiệu quả, chính xác và có cơ sở để xác định tập thể, cá nhân có suy thoái và sai phạm hay không".

Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM, ngoài những kết quả đạt được thì trong thời gian qua hệ thống MTTQ khi lấy ý kiến nhiều dự án chưa đầy đủ, còn sơ sài, còn thiếu các thông tin cần thiết. Theo đó Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất: "Phải nâng cao vai trò của Mặt trận làm sao tạo đưlợc kết quả tốt  và sự quan tâm của chính quyền cấp ủy các cấp. Ngoài ra, mặt trận và các tổ chức chính trị, XH cũng phải đổi mới phương thức hoạt động, không nên hành chính hóa. Đồng thời  đẩy mạnh xây dựng chính quyền góp phần ổn định chính trị.

Đấu tranh chống lại quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng chính quyền và tập trung về cơ sở thì Mặt trận cần phát huy những nhân vật tiêu biểu, những chuyên gia trong lĩnh vực này thì công tác giám sát, phản biện mới thực hiện tốt hơn".

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, cho biết: Bản thân MTTQ và các đoàn thể phải đổi mới phương thức, cách làm. Giám sát và phản biện thì giám sát thế nào, phản biện thế nào thì phải có sự định lượng. Chất lượng của từng cuộc giám sát, từng cuộc phản biện sẽ phản ánh được năng lực tổ chức, điều hành của mình trong thực hiện quyết định 217, 218:

"Sắp tới, giám sát và phản biện xã hội, đừng chạy theo số lượng, không dàn trải. Cần theo những vụ việc tới nơi tới chốn qua đó sẽ thấy được hiệu quả mình làm và cử tri sẽ tin mình hơn, có nghĩa là phải có chuyên gia, có người am hiểu và phải nắm chắc tình hình. Trong phản biện phải chuẩn bị kỹ càng từ đội ngũ chuyên gia cho tới tất cả lý luận, lý lẽ, cơ sở để tập trung phản biện, làm sao để khi thông qua Hội đồng nhân dân thì các kế hoạch, các đề án được đại biểu góp ý kiến và thống nhất, đồng tình cao thì vai trò Mặt trận hết sức lớn".

Dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã biểu dương khen thưởng cho 53 tập thể và 63 cá nhân có thành tích tốt trong 05 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Bình luận