Chờ...

Chất vấn tại Quốc hội: Hỏi-đáp không né tránh!

(VOH) - Sáng 1/11, các thành viên Chính phủ và trưởng ngành tư pháp tiếp tục đăng đàn giải trình trước Quốc hội các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Mở đầu phần trả lời chất vấn, với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về xử lý thông tin sai lệch trên mạng, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho biết: Vấn đề này bộ, ngành liên quan đã xử lý một số vụ nhưng "cũng chưa ngăn chặn được và còn một số khó khăn".

ky hop quang canh chung

Trả lời câu hỏi nầy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết “Với tính nặc danh, thông tin vi phạm không chỉ xuất phát từ mạng trong nước mà còn mang tính xuyên quốc gia; trong khi đó quy định pháp luật liên quan chưa được hoàn thiện, thông tin vu khống, xuyên tạc muốn xử lý được thì cần giám định nên phải sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác; quy định về chứng cứ số...”.

Đề cập đến giải pháp, theo Bộ trưởng Tô Lâm các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin trên không gian mạng, như phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập các trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với việc đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật...

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng về "vấn nạn sim rác kéo dài", Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Sim rác là khái niệm chưa được định nghĩa trong văn bản pháp luật. Theo ông, từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel. Thứ 2 là tổ chức đăng ký lại thông tin thuê bao, từ 7/2017 các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh, những thuê bao chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.

Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết giải pháp trong thời gian tới, sắp tới sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh, các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để người dùng sim thay thẻ điện thoại. Bộ cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh thư. Bộ giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý 2/2019 xong.

Những vấn đề về lĩnh vực giáo dục tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Trả lời đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ đã có báo cáo tổng thể về nội dung này gửi các đại biểu Quốc hội.

"Với thực trạng SGK như vừa qua, việc lãng phí là có thật....hiệu quả các giải pháp này còn hạn chế, tôi xin nhận trách nhiệm vấn đề này", ông Nhạ thừa nhận.

bo truong bo giao duc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trong sáng nay 1/11, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An đã phản hồi thông tin mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trên nghị trường trong phiên làm việc hôm qua. Cụ thể vào sáng 31/10, ông Nhưỡng khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an đã cho biết rất ủng hộ "cuộc cách mạng" về sắp xếp lại Tổng cục, Cục trong ngành công an vừa qua. Tuy nhiên, qua báo cáo, ông Nhưỡng thấy "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, cụ thể: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%". Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói: "Tôi khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác, đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu nói rõ nếu không cán bộ trong lực lượng công an rất phân tâm".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giải thích “Cảm ơn ông Nguyễn Hữu Cầu đã cho ông cơ hội phát biểu vì rất băn khoăn không biết hôm nay phát biểu vấn đề này như thế nào... Tôi phải ngồi tính toán chi li từng số %...".

Sau đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển xin tranh luận, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai đại biểu nên gặp nhau trao đổi để không mất thì giờ các đại biểu và các vấn đề khác đang chờ được chất vấn. Cả hai đều vui vẻ chấp thuận.

Nghị trường tiếp tục nóng lên khi đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Trương Hoà Bình về quy định trách nhiệm nêu gương. Theo ông, mới đây Trung ương đã ban hành quy định yêu cầu cán bộ cấp cao "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ", vậy làm thế nào để áp dụng quy định này?.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, mang tính tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy mình không còn đủ sức khoẻ, uy tín và có vi phạm. Ông nói: "Trong Luật Cán bộ công chức đã quy định các hình thức kỷ luật, với cán bộ thì có bãi nhiệm và miễn nhiệm, nhưng pháp luật chưa quy định rõ việc từ chức... Từ chức là vấn đề khá rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị, do vậy cần nghiên cứu hoàn thiện quy định. Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong từ chức có hình thức tự nguyện, nếu vi phạm mà không từ chức thì qua bỏ phiếu tín nhiệm không đạt sẽ bị bãi nhiệm. Ngoài ra, cán bộ vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý hành chính, kỷ luật đảng theo quy định".

Về giải quyết nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh "đã xử lý tích cực". Sau một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện cơ quan chức năng xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty quản lý tài sản VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các ngân hàng..

Vào cuối giờ chiều nay 1/11 còn có ý kiến giải trình thêm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Bình luận