Chờ...

Chiều 27/9: Các tỉnh miền Trung cơ bản hoàn tất các phương án ứng phó siêu bão; nhiều nơi mưa lớn

(VOH) - Mưa lớn bắt đầu đổ xuống nhiều nơi. Người dân miền Trung cấp tập khẩn trương tránh trú bão. Đến thời điểm này, các phương án ứng phó tại các tỉnh thành cơ bản hoàn tất.

Chiều tối 27/9, mưa lớn trắng trời nhiều tỉnh, thành miền Trung. Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định xuất hiện những đợt sóng lớn, gió mạnh.

Ứng phó với bão Noru (bão số 4), hàng ngàn tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế về tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà). Những chiếc tàu cá được xếp ngay ngắn theo hướng dẫn của lực lượng chức năng để hạn chế tối đa tổn hại.

Chiều 27/9: các tỉnh miền Trung cơ bản hoàn tất các phương án ứng phó, nhiều nơi mưa lớn 1
Hình ảnh bình yên trước bão. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử Đà Nẵng

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 16 giờ ngày 27/9/2022, số lượng dân đã di dời, sơ tán là: 23.006 hộ/68.034 khẩu (xen ghép: 16.559 hộ/ 48.508 khẩu, tập trung: 6.447 hộ/19.526 khẩu). Chiều nay huyện Bình Sơn có mưa lớn, gió mạnh dần.

Về việc huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp an-ten viễn thông, các bản hiệu, pano, áp phích; gia cố các trụ sở, cơ quan, kiểm tra hệ thống điện, chặt tỉa cành cây,…: Từ ngày 25/9, các địa phương, đơn vị đã tổ chức lực lượng triển khai thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành trước 17 giờ chiều ngày 27/9/2022.

Tại Thừa Thiên Huế, đến nay công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành. Trong ngày 27/9, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đến kiểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại âu thuyền Phú Hải (Phú Vang). Hiện toàn tỉnh hiện có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như cảng cá Thuận An, cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên đủ phục vụ neo đậu cho các phương tiện tàu thuyền.

Tại tỉnh Bình Định, đến chiều ngày 27/9, công tác di dời sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở và triều cường tại Bình Định đã hoàn tất. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện: tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ gió mạnh của bão, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn ở các khu neo đậu tàu thuyền; ngư dân trên các lồng bè, trên thuyền đánh cá vào nơi neo đậu phải rời vị trí đến nơi trú tránh an toàn; không để người dân rời khỏi vị trí trú bão...

Bình Định
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại Trạm kiểm soát biên phòng Tam Quan. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của Nhân dân.
Bình luận