Chờ...

Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật

(VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2019.

Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ, xây dựng pháp luật

Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2019. Về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết; nghiên cứu tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi hoàn thiện dự án, dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật. Tại Phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến về việc cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự án, dự thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đây là dự án Luật rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong việc hoàn thiện khung pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức liên quan, về quy trình soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung sau:

Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội theo hướng: Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết;

Đồng thời giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vướng mắc, bất cập khác của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019 để trình Quốc hội.

Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng, ban hành Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên; hoàn thiện các chính sách, bảo đảm thiết thực, tạo điều kiện và động lực phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.  

Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật và yêu cầu chỉnh lý một số nội dung của dự án Luật theo hướng sau đây: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển thanh niên có tài năng để thanh niên có điều kiện phát huy thế mạnh của mình;

Cần quy định trong dự thảo Luật về nghĩa vụ lao động công ích của thanh niên nhằm huy động sức lao động và trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội, cộng đồng, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2019 để trình Quốc hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp
Chính phủ thống nhất chủ trương tách dự án Luật thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động chuẩn bị hồ sơ, Tờ trình của Chính phủ theo hướng tách thành 02 dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất theo hướng: Về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài: thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong quản lý các nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định giao Chính phủ quy định quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất theo hướng: Quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh; giao Chính phủ quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách phát triển hộ kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2019 để trình Quốc hội.

Bình luận