Chính phủ: Dành được 680.000 tỷ cải cách tiền lương mới từ 1/7

VOH - Sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, nhận định tình hình tích cực và khả quan trên các lĩnh vực.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm trước tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng cho biết một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) như tốc độ tăng GDP đạt 5,05%; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD - thuộc nhóm các nước trung bình cao.

Theo Phó Thủ tướng, tính đến hết năm 2023, chúng ta đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Những tháng đầu năm 2024, Chính phủ nhận định triển vọng kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển. Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra sôi động hơn.

Theo đánh giá của Chính phủ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

le-minh-khai
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Ảnh: Quốc hội

Theo Phó Thủ tướng, những tháng đầu năm 2024, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực.

Các cơ quan đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm nay.

Dù đạt nhiều kết quả, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Trong khi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…

Đề ra giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7 và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế ghi nhận một trong những điểm sáng nổi bật nhất của năm 2023 là công tác giải ngân vốn đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về việc tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá.

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ủy ban Kinh tế lưu ý việc đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện; dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội…

Bình luận