Chờ...

Chưa có quy định bảo vệ người mua bất động sản hình thành trong tương lai

VOH - Chiều 19/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 Chương với 92 Điều. So với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới và một số điểm được sửa đổi, bổ sung như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc kinh doanh bất động sản; các hành vi bị cấm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trong phạm vi điều chỉnh của Luật; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh...

Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TPHCM) cho rằng, cần cân nhắc kỹ các quy định điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.

Thực tế đã có những công trình nhà ở hình thành trong tương lai, người dân nộp tiền nhưng mòn mỏi đợi nhà, trong khi chủ đầu tư lấy giấy tờ cầm cố ngân hàng, không làm giấy chuyển quyền, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) phản ánh thực tế từ chính gia đình ông, đó là mua nhà hình thành trong tương lai, từ khi công trình mới đào móng và có bản vẽ thì người mua đã phải chuyển tiền, nhưng chủ đầu tư lại giao nhà chậm hoặc bàn giao nhà không đúng cam kết, không bảo đảm hạ tầng văn hoá xã hội giống như cam kết, quy hoạch.

Thậm chí, người mua nhà về ở 3 - 5 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, do chủ đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý, hoặc đã đem tài sản đi thế chấp ngân hàng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Đây là vấn đề bức xúc cho người dân nên cần ban hành quy định chi tiết cụ thể về trách nhiệm nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước khi cấp phép xây dựng. Cùng với đó, cần quan tâm bảo vệ người mua nhà tránh rủi ro trong trường hợp nộp tiền trước”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, khi xảy ra tranh chấp, cơ sở để giải quyết tranh chấp là hợp đồng. Hiện chưa có quy định và cũng chưa có đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi người mua và người bán, do đó, vai trò công chứng rất quan trọng.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện có nhiều vấn đề cần giải quyết đối bất động sản hình thành trong tương lai. Đó là khi dự án được phê duyệt, đất thì có hạ tầng, nhà có móng, thì được quyền đưa ra bán và được gọi là tài sản hình thành trong tương lai.

Mục tiêu để cho nhà đầu tư có thể huy động được trước tiền của người mua và người có tiền muốn mua nhà, mua đất cũng bỏ tiền ra mua đất, nhà.

Tuy nhiên, bất động sản hình thành trong tương lai đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường bởi thường được mua đi, bán lại. Bất động sản tăng giá bất thường chủ yếu tài sản hình thành trong tương lai; còn khi đất nhà có rồi, hình thành lên nhà rồi thì gần như giá khá ổn định, không tăng lên, giảm xuống bất thường.

Liên quan những vụ lừa đảo của các dự án ma, đó cũng là bất động sản hình thành tương lai, dù mới vẽ ra giấy, nhưng đã phân lô để bán, lúc đó có thể lừa được người mua, nếu như hình thành nhà rồi thì khó có thể lừa được.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định về năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, đảm bảo chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính để triển khai, có vậy thì dự án mới đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ, hiện nay có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách Nhà nước.

Quy định của luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp thì mới phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng, nên doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, đã lấy tiền hình thành trong tương lai này đi đầu tư dự án khác, không nộp ngân sách.

Người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền sẽ đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Cần có những quy định trong luật để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Còn tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự, đưa ra tòa. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chủ đầu tư phải đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết?".

Bộ trưởng đề xuất, khi chủ đầu tư nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. Cùng với đó, không nên đưa chính sách thuế vào trong quy định giao cho Chính phủ, đây là thẩm quyền của Quốc hội.

Bình luận