Chờ...

Chuẩn bị các phương án ứng phó bão số 4

(VOH) - Sáng 28/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp bàn công tác chuẩn bị  ứng phó với bão số 4 (bão Podul).

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành báo cáo công tác triển khai ứng phó với bão số 4, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công tại Công điện số 12 ngày 27/8/2019  về việc ứng phó bão gần biển Đông. 

bão số 4

Vị trí và hướng đi bão số 4 - Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá cao công tác triển khai đồng bộ, nghiêm túc của các lực lượng từ Trung ương tới địa phương, trong đó công tác đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè, đặc biệt thông tin truyền thông kịp thời tới chính quyền cơ sở và người dân.

Để ứng phó với cơn bão số 4, ông Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong những ngày tới đó là: Đối với trên biển thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối; Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua;  Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và các hồ thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bình luận