Chờ...

Công an tỉnh Đắk Nông xác định "cà phê pin" dùng trộn vào tiêu

(VOH) - Theo điều tra của công an tỉnh Đắk Nông, hỗn hợp phế phẩm “cà phê pin“ được trộn vào tiêu chứ không phải trộn vào cà phê và chưa kịp tung ra thị trường.

Chiều 26/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo lần 2 về vụ “cà phê pin". Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh và đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cùng dự họp báo.

Thượng tá Phạm Thanh Bình, người phát ngôn Công an tỉnh Đăk Nông cho biết vụ việc đã được cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã bắt 5 người liên quan. Những người bị bắt khẩn cấp gồm: chủ cơ sở  Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo chồng bà Loan(33 tuổi, xã Nghĩa Thắng, H.Đắk R’lấp), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi), Trần Văn Tuấn (42 tuổi, cùng trú xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song, Đắk Nông) và Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, địa chỉ tại H.Lộc Ninh, Bình Phước).

Thượng tá Phạm Thanh Bình,,người phát ngôn công an tỉnh Đắk Nông thông tin sự việc

Vào ngày 15/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đang dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ).

Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21, tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì; 40 lít dung dịch; 35 kg pin bị đập dẹp; 192 kg lõi, nắp và vỏ pin....

Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm bán kiếm lời, đồng thời tự nghĩ ra quy trình nhuộm đen hỗn hợp.

Nguyễn Thị Thanh Loan khai nhận bán cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn 3 tấn sản phẩm hỗn hợp này Sau đó mặt hàng này được đưa đến bán cho Phan Thị Dung - Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, tỉnh Bình Phước - để trộn vào hồ tiêu.

Sau khi mua 3 tấn hỗn hợp trên, Phan Thị Dung đã dùng một phần để trộn lẫn vào hồ tiêu hạt khô, đóng vào 360 bao để vào kho, tổng khối lượng là 9 tấn. Theo đối tượng khai nhận là để làm tăng khối lượng hồ tiêu.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thu giữ 11 tấn chứa trong 315 bao pha trộn hỗn hợp với vôi, phân lân, phân heo. Bà Dung khai sau khi cơ sở bà Loan bị phát hiện, bà đã cho người pha trộn những thứ này làm phân bón để tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ.

Theo đại tá Lê Vinh Quy, số lượng tiêu tại cơ sở bà Dung đấu trộn với hỗn hợp mua từ cơ sở bà Loan đã được bắt giữ, thu hồi, chưa bán ra thị trường.

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Xuân Lộc nhận định: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê”.

Ông Lộc cũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục thông tin sau khi có kết quả điều tra tình tiết của vụ án.

Bình luận