Chờ...

Công bố tái bản, bổ sung Bộ sách đặc biệt về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

(VOH) - Bộ sách được phát hành lần đầu năm 2018 và nay được bổ sung, tái bản.

Sáng nay 13/4, Thành Ủy, Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM long trọng công bố bộ sách hồi ký kháng chiến về 3 tổ chức đặc biệt là nền tảng làm nên sức mạnh đoàn kết góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bộ sách đã được phát hành lần đầu năm 2018 và nay được bổ sung, tái bản.

Từ bộ sách Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, xuất bản đầu tiên với 1.800 trang, 166 bài viết và 267 ảnh tư liệu, bộ sách 3 tập được tái bản bổ sung có độ dày 2.314 trang với 220 bài viết, 320 ảnh tư liệu. Ban biên soạn cũng đã thành công khi đưa 16 chuyên đề theo đề nghị của Thành Ủy TPHCM vào nội dung sách như hình thức đấu tranh chính trị sáng tạo; hoạt động binh vận; các lực lượng đặc biệt như đặc công, biệt động, xây dựng vùng giải phóng và Chính quyền nhân dân tự quản...

Tiếp theo cuốn sách Chung 1 bóng cờ xuất bản năm 1993, bộ sách không chỉ là tư liệu quý từ hồi ký chiến tranh của những nhân chứng sống từ thập niên 60 đến 5 năm đầu thập niên 70 thế kỷ 20 mà còn minh chứng, khắc hoạ lại cách tổ chức, hoạt động của 3 tổ chức này, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Trần Hữu Phước, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực – Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, thành viên hội đồng cố vấn và biên tập bộ sách cho biết, bộ sách bổ sung thêm 16 nội dung mà Ban thường vụ Thành ủy đã đề ra, trong đó nổi bật là nội dung toàn dân tham gia chống giặc, trong đó sinh động nhất là việc chế tác các loại vũ khí thô sơ mà không một bảo tàng nào trên thế giới có cũng như không có một quyển sách binh thư nào từng viết:  “Do những người nông dân sáng chế ra những loại vũ khí như làm lựu đạn bằng lon sữa bò, hộp cá mòi, hộp trà, làm súng pháo bằng giàn thun bắn vào đồn giặc cùng nhiều loại hầm chông, bẫy chông.

Rồi dùng một loại vũ khí hết sức độc đáo nữa là dùng rắn độc đánh giặc. Chúng ta nuôi rắn ở vành đai Rạch Chiếc, Long An. Đặc biệt, ở địa đạo Củ Chi, đánh giặc bằng những loại rắn mà Mỹ rất sợ, gọi là rắn 1 bước, hai bước, ba bước, bị rắn cắn thì chỉ cần đi 1 bước là chết, 2 bước là chết... như rắn hổ mang, rắn mai gầm, rắn lục đuôi đỏ, toàn là rắn cực độc”.

Ông Trần Hữu Phước cũng cho biết thêm về khó khăn khi thực hiện bộ sách là nhân chứng lịch sử ngày càng đi xa, như mùa thu lá rụng, vượt qua khó khăn đó bằng cách đãi cát tìm vàng, chắt lọc nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu. Ở đây phần lớn nhân vật lịch sử đã đi xa. Số còn lại vào sinh ra tử, vào tù ra tội cũng còn đông, trong đó mười mấy người ở độ tuổi ngoài 90, nếu không có nhiệt tình, tình cảm với cách mạng cao độ thì không thể hoàn thành quyển sách này.

Chị Đặng Thị Lý – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận Phú Nhuận chia sẻ: Khi đọc bộ sách này, chị hiểu trong một thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề, cái chết kề trong gang tấc ấy, cha ông mình đã giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam cho đồng bào mình, đó là điều rất đáng trân quý: “Chúng tôi là những cán bộ thế hệ sau, quyển sách này đối với TP nói chung và đối với cán bộ trong hệ thống mặt trận nói riêng là tư liệu quý. Với chức năng, trách nhiệm của MTTQ chúng tôi sẽ tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu quyển sách này đến hệ thống cán bộ mặt trận quận, phường và nhân dân trên địa bàn để làm sao lan tỏa được những giá trị rất quý trong cuốn sách này”.

Còn với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 – Phạm Văn Phố thì bộ sách cho ông những lời giải trong công tác Mặt trận, trong đối nhân xử thế, trong mối quan hệ giữa người với người. Đó là lời giải về công tác vận động, thuyết phục quần chúng, như trong cuộc chiến đấu ấy, để đi đến thắng lợi, có sự tham gia từ người già tới người trẻ, có thanh niên, có phụ nữ, có chức sắc tu sĩ tôn giáo, có đồng bào dân tộc, có nông nhân, công nhân, trí thức, kiều bào và cả bạn bè quốc tế yêu chuộng hoà bình... “Bộ sách tái bản lần này có giá trị thiết thực, bổ sung thêm một số tư liệu rất quý, giúp cho cán bộ mặt trận có tư liệu để tuyên truyền; Mang ý nghĩa đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước được trọn vẹn, đem lại hòa bính, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Theo tôi nên nhân rộng, bổ sung và triển khai trong hệ thống mặt trận để làm tư liệu truyền thống sau này”.

Công bố tái bản, bổ sung Bộ sách đặc biệt về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 1

Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí Thư Thành Ủy tặng hoa cho những các cố vấn và tham gia biên tập bộ sách.

Là nhân chứng và cũng là đại diện cho gia đình nhân vật lịch sử có trong bộ sách, ông Nguyễn Hữu Châu – con trai của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nguyên quyền Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chia sẻ cảm xúc cũng như niềm tự hào về những thành viên trong gia đình mình. Ông khẳng định, bộ sách tái bản rất có ý nghĩa, giúp cho thế hệ hôm nay ôn lại truyền thống hết sức vẻ vang cách đây hơn nửa thế kỷ mà Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có nói rằng: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một giai đoạn hợp thành lịch sử Việt Nam”.

Trong bộ sách thời kỳ đó Bác có nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cho nên tất cả các tầng lớp, trong đó có gia đình trí thức như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Kiến Trúc sư Huỳnh Tấn Phát theo lời kêu gọi đã bỏ tất cả, không tính toán gì tới tiền tài, danh vọng, hy sinh kể cả hạnh phúc gia đình để dấn thân vào cuộc chống Mỹ cứu nước và đi đến thắng lợi 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Ý nghĩa đó lớn lắm, đối với thế hệ hiện nay và chúng tôi phải giữ truyền thống. Đối với thế hệ ngày nay thì phải nhớ lời Bác là không có gì quý hơn độc lập, tự do, đừng để suy nghĩ trước tiền tài và danh vọng và mong thế hệ hiện nay nhớ điều đó để xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, như mong ước của Bác Hồ vĩ đại”.

Công bố tái bản, bổ sung Bộ sách đặc biệt về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 2

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phát biểu.

Theo bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, tiếp nối truyền thống vẻ vang, hào hùng của các bậc tiền nhân, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố vẫn giữ vai trò hạt nhân nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với Thành phố và đất nước vượt qua khó khăn, thử thách; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, nghĩa tình.

Đặc biệt, bài học “lấy dân làm gốc”; bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là cội nguồn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động, phát triển của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố : “Bộ sách này tái hiện toàn bộ lịch sử chiến đấu của cách mạng miền Nam, trước hết chúng ta phải đọc kỹ bộ sách để hiểu rõ hơn quá trình tham gia cách mạng và phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những sự tham gia đó được tổng hợp thành bộ sách quý này để chúng ta tiếp tục tuyên truyền làm sao giữ được truyền thống cách mạng, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động và tập hợp quần chúng. Đó vừa là truyền thống cách mạng của Mặt trận, đồng thời phải cập nhật những kiến thức mới để làm tốt hơn và hiệu quả hơn”.

Đúng như nhận xét của ông Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam về quyển sách hơn 3 vạn chữ, đây không chỉ là những tư liệu quý mà còn minh chứng, khắc họa lại lịch sử về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khiến chúng ta tự hào thêm về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thực tiễn lịch sử hoạt động để lại cho chúng ta nhiều bài học rất quý báu, sâu sắc trên tất cả các mặt, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, y tế...những bài học này còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.    

Bình luận