Chờ...

Cổng dịch vụ công quốc gia: Người dân thực hiện những giao dịch nào từ tháng 11/2019?

(VOH) - Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được khai trương vào cuối tháng 11/2019 giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện được 8 dịch vụ công thiết yếu.

8 dịch vụ công thiết yếu là đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế, thanh toán tiền điện, nộp thuế điện tử với doanh nghiệp.

Thông tin nêu trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia được Văn phòng Chính phủ tổ chức vào sáng 1/11.

Việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia là giải pháp phù hợp để khắc phục hiện trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều tồn tại, hạn chế như khó tiếp cận, thiếu thống nhất, thiếu thân thiện, không đúng nhu cầu người sử dụng...

Lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia Cổng dịch vụ công quốc gia chính là chỉ cần một địa chỉ duy nhất để tra cứu thông tin thủ tục hành chính, thông tin về cơ quan cung cấp dịch vụ công, trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính, các vấn đề thường gặp trong thực hiện thủ tục hành chính, tổng đài, công cụ hỗ trợ tự động, gửi, theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị, đánh giá mức độ hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh được chọn để triển khai điểm, những dịch vụ công các địa phương trong cả nước cùng đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình chung.

Việc tích hợp, triển khai thí điểm thêm một số dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia diễn ra từ tháng 11/2019.

TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịp tiến độ văn phòng Chính phủ đề nghị. Thủ tục liên thông giữa đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế sẽ được triển khai trong tháng 11/2019.

Vào quý I/2020, TPHCM sẽ tích hợp 4 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh; thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; thủ tục liên thông đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú.

Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TPHCM

Ông Hà Phước Thắng - Chánh Văn phòng UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị

“Để kết nối tốt, có các thủ tục liên quan đến các bộ, ngành, chúng tôi đề xuất các đơn vị bộ ngành, cục kiểm soát thủ tục hành chính hỗ trợ các đơn vị, văn phòng, sở ngành của Thành phố chuẩn bị tốt nội dung kết nối theo yều cầu vào giữa quý 1 năm 2020”, ông Hà Phước Thắng - Chánh Văn phòng UBND TPHCM kiến nghị.

Với Quảng Ninh, đăng ký khai sinh là dịch vụ công được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 11/2019; quý I/2020 sẽ có thêm 2 dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, chúng tôi đã liên thông hệ thống dữ liệu về hạ tầng. Việc liên thông với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, kể cả các tỉnh ngoài tương đối tốt. Việc liên thông trong tỉnh cũng tốt, hiện nay chúng tôi liên thông 4 cấp là Chính phủ, ngành, địa phương và các xã”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng Cổng dịch công quốc gia là mục tiêu của Chính phủ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Mai Tiến Dũng mong muốn: “Các lãnh đạo tỉnh, bộ, địa phương thống nhất nhận thức và quyết tâm hành động cao. Đây là việc rất khó, nhưng nếu làm tốt thì sẽ mang lại lợi ích, trước hết tạo điều kiện tăng trưởng về kinh tế-xã hội. Thứ hai là thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn, tạo công ăn việc làm, cũng như cải cách để gia nhập thị trường hàng hóa, nhiều dịch vụ mang lại cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác thực hiện các nghị định, chỉ thị của Chính phủ về tiến độ, lộ trình thực hiện Đề án dịch vụ công quốc gia trong năm 2019-2020 để ngày càng có nhiều dịch vụ công của nhiều bộ ngành, nhiều địa phương được tích hợp trên Cổng điện tử dịch vụ công quốc gia.

Đại biểu đánh giá cao chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%...

Các thủ đoạn phổ biến của tội phạm để cướp tài sản, người dân cần phòng ngừa - Công an TPHCM vừa thông báo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm cướp tài sản để có biện pháp phòng ngừa.

Bình luận