Chờ...

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai còn nhiều bất cập

(VOH) - Hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố về đất ở cơ bản thuận lợi, chỉ khó khăn nhất ở đất nông nghiệp.

Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn TPHCM hiện còn 1 số vướng mắc dẫn đến chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân. - Đây là nội dung được các quận, huyện, sở ngành phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM trong buổi giám sát vào sáng 04/10.

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực là hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh những ưu điểm của Luật này thì cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp khi triển khai tại đô thị đặc biệt như TPHCM. Chỉ tính riêng quy định trong Điều 69 và Điều 74 quy định thời gian về niêm yết dự thảo phương án bồi thường chỉ trong 1 ngày là chưa phù hợp, vì hầu hết các quận không đảm bảo được thời gian do khối lượng công việc quá nhiều.

Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai còn nhiều bất cập

Ảnh minh họa.  

Ngoài ra việc thẩm định giá cũng còn khó khăn khi chưa tìm được tiếng nói chung, ông Kiều Thanh Quang, Trưởng Ban Bồi thưởng giải phóng mặt bằng Quận 8 chỉ ra: “Giá thì thấp hơn giá trị khai, chưa đảm bảo người dân khai chính xác, do đó khó thẩm định giá. Trong khi đó người dân cũng không chứng minh được giá mà họ đưa ra là chính xác”.

Do đặc thù của TPHCM hầu hết quỹ đất nông nghiệp được quy hoạch theo hướng đô thị hóa nên giá trị chuyển nhượng trên tthực tế khá cao. Tuy nhiên, theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vẫn tính bồi thường theo phương pháp của đất nông nghiệp nên mức giá này thấp hơn quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Theo ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban Bồi thưởng giải phóng mặt bằng Quận Thủ Đức đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân không đồng tình nhiều nhất hiện nay.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành quận huyện thời gian qua cũng còn hạn chế. Trong đó công tác ghi vốn thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chưa thực hiện tốt. Riêng về chính sách bồi thường đất nông nghiệp, ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng Phòng Quản lý giá, Sở Tài chính cho rằng trước đây Thành phố có quyết định hay nhưng giờ do vướng Luật không thực hiện được.

“Đối với đất nông nghiệp trước đây thì Thành phố có hình thức hoán đổi. Cứ hoán đổi cho người dân 10% thực hiện và bảo toàn được giá trị đất”, ông Đỗ Đông Hướng cho biết. 

Hiện nay công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố về đất ở cơ bản thuận lợi, chỉ khó khăn nhất ở đất nông nghiệp. Trước thực tế này, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội và sẽ chính thức có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường về 1 số khó khăn, vướng mắc mà TPHCM đang gặp phải trong công tác này.

Công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng: Lập đoàn kiểm tra các trình tự, thủ tục có liên quan – Ngày 3/10, một cơ quan báo chí có nêu thông tin phản ánh về tòa nhà bê tông ôm chặt bên hông đèo Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mã Pì Lèng), thuộc địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Triển lãm và ra mắt ký sự "Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam" - Sáng 4/10, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, đã khai mạc Triển lãm và ra mắt ký sự "Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam" của tác giả Giản Thanh Sơn.
Bình luận