Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đạt nhiều kết quả tích cực

(VOH) - Sáng 26/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 nghe Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và các báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Tham nhũng được kiềm chế

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.

Cũng theo ông Lê Minh Khái, dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.

họp quốc hội
Đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

“Năng lực của một số tổ chức cá nhân còn hạn chế, chưa phát hiện được tham nhũng. Vẫn còn tình trạng chưa quan tâm đúng mức. Hiện tượng trù dập, trả thù, đe dọa vẫn còn xảy ra khiến người tố cáo không dám mạnh dạn” - ông Lê Minh Khái đánh giá.

Trong báo cáo, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những dự báo của Chính phủ về tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Đồng thời cho rằng, tình hình tham nhũng chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định: “Năm 2020 nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng được Chính phủ triển khai tích cực. Công khai minh bạch trong các cơ quan, đơn vị, cải cách hành chính, chuyển đổi vị trí công tác, các cơ quan tăng cường kiểm tra xử lý”.

Tội phạm giảm so với các năm trước

Đa số các Đại biểu Quốc hội sáng nay cũng cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cũng như công tác thi hành án năm 2020.

Theo đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Dù một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cụ thể, tội phạm hiếp dâm tăng 13,51%; gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; số vụ giết người thân tăng mạnh 171,8%.

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn tỉnh Nghệ An đề nghị: “Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chống lại các loại tội phạm nguy hiểm này”.

Về các báo cáo thi hành án của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều đưa ra nhận định số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở những nhận định mà chưa chỉ ra được những nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này.

* Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc theo hình thức trực tuyến. Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong năm 2020, Tòa án các cấp đã thụ lý trên 602.000 vụ việc, giải quyết được hơn 544.000 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%).

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, hoạt động của Tòa án còn có hạn chế, thiếu sót là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Do vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề ra mục tiêu: “Thời gian tới nâng cao chất lượng xét xử, không để oan sai, chuẩn bị điều kiện làm tốt công tác hòa giải. Đẩy mạnh hướng dẫn pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng hành chính tư pháp”.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh. Viện Kiểm sát đã trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, tăng 4,7%; huỷ 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án.

Ông Lê Minh Trí đề nghị: “Quốc hội tăng cường giám sát chuyên đề, các cơ quan tư pháp trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng chống tội phạm”.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thừa nhận còn một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, là còn để một số bị can phải đình chỉ do không phạm tội, toà án tuyên bị cáo không phạm tội, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng dù tăng 5,2% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bình luận