Chờ...

Đại biểu đánh giá cao chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(VOH) - Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%...

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhiều ý kiến tâm huyết được các đại biểu nêu ra nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp thêm cho vấn đề này.

Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định. Trên 90% đường ở thôn, bản được bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải... Đặc biệt, đến năm 2030 sẽ không còn hộ đói, hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020. 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực...

Đánh giá cao việc Đề án được thông qua sẽ tạo nên đột phá lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Trần Tất Thế - Đoàn Hà Nam cho rằng: “Thứ nhất là đề án sẽ đáp ứng yêu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với người nghèo nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung thì họ cũng mong muốn. Họ cũng muốn vươn lên từ nghèo khó, họ cũng muốn thoát nghèo để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số họ cũng muốn được như đồng bào miền xuôi”.

Ảnh minh họa

Theo các đại biểu, thời gian qua, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực này dù đạt được nhiều thành tựu nhưng nguồn lực còn phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Chúng ta chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của nhân dân để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang – Đoàn Nghệ An cho rằng: Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các xã thuộc diện an ninh quốc phòng. “Đồng tình với tiêu chí phân loại thôn xã đặc biệt khó khăn nhưng tôi đề nghị quan tâm, xem xét thêm đối với loại xã có công trình trọng điểm quốc phòng đặc biệt mà không đạt được các tiêu chí như đề án nêu. Tôi thấy các xã này thuộc diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư khai thác mà luôn phải bảo tồn xây dựng thế trận lòng dân. Tuy Nhà nước đã quan tâm nhưng chừng mực nào đó thì vẫn còn khó khăn. Nếu không để cho các xã được thụ hưởng thì sẽ khó phát triển như các điạ phương khác”, đại biểu Thu Trang ý kiến.

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn Vĩnh Phúc: Đề án cần bổ sung cụ thể các chỉ tiêu khai thác thêm tiềm năng của vùng. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới cho dân tộc thiểu số vì đây là vấn đề quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sát tới đời sống nhân dân. “Ở mục tiêu của đề án cũng đã quan tâm đến bình đẳng giới, tuy nhiên để phù hợp với yêu cầu bình đẳng giới theo cách tiếp cận giới và phát triển, đề nghị đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới trong tất cả nhiệm vụ và giải pháp, các hoạt động thực tế và đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giaỉ quyết kịp thời các vấn đề phát sinh cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số”, đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị.

Sau khi các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bình luận