Chờ...

Đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu

(VOH) -  Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, chiều 12/6), các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018; dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách năm 2015. 

Thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu đánh giá, nợ xấu là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng của các ngân hàng khi có rủi ro phát sinh. Mặc dù ngành ngân hàng trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, song do thiếu những cơ chế cần thiết của chính sách pháp luật nên vẫn chưa xử lý dứt điểm. Sau nhiều năm tích tụ lại thành khối lượng nợ xấu rất lớn.

Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, để có căn cứ pháp lý đủ mạnh, các đại biểu đồng tình với việc ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và kỳ vọng nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ một cách căn bản vướng mắc, khó khăn liên quan, để xử lý một cách hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.

Đối với khái niệm nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu, bảo đảm rõ ràng và dễ hiểu.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh: cùng một nhà nước, cùng một loại nợ xấu thì chính sách pháp luật không thể khác nhau. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đã nhất trí với đề xuất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết nên áp dụng cho các khoản nợ xấu hiện tại và các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian hiệu lực của Nghị quyết và áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Hình: Báo Đại biểu nhân dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM phân tích việc xem xét xử lý nợ xấu nên khoanh lại ở một số thời điểm nhất định, tránh dàn đều dễ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Vì theo ông Ngân, hiệu lực của Nghị quyết thường chỉ có tác dụng trong một giai đoạn nên phải xem xét cẩn trọng hơn nữa.

Về thu giữ tài sản, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm nếu có tranh chấp liên quan đến Tố tụng thì sẽ do tòa án thực hiện.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Lê Minh Hưng cho hay: Nghị quyết xử lý nợ xấu không tạo ra bất cứ đặc quyền hay sự ưu ái nào cho các tổ chức tín dụng. Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đề nghị các đại biểu xem xét, việc Nghị quyết khi ban hành có nên cho phép xử lý nợ xấu ở cả thời điểm trước và sau thời điểm 31/12/2016 hay không.

Cũng tại phiên làm việc chiều 12/6, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh Chương trình làm việc của kỳ họp từ ngày 16/6 đến khi bế mạc; lùi thời hạn thông qua dự án Luật Quy hoạch và chưa xem xét, trình các đại biểu Quốc hội để xin chủ trường đầu tư cao tốc Bắc Nam ở phía Đông. Trước đó, Quốc hội cũng nhất trí thông qua Luật ngoại thương với gần 89% số phiếu tán thành.

Bình luận