Chờ...

Đại biểu Quốc hội tranh luận về quản lý, bảo mật chữ kí số chuyên dùng công vụ

VOH - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nên rõ Nghị quyết số 56 của Bộ Chính trị xác định lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ tiên tiến, hiện đại.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về quản lý,  bảo mật chữ kí số chuyên dùng công vụ 1
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước để quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa

Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị là cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp

Theo Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về quản lý,  bảo mật chữ kí số chuyên dùng công vụ 2
Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Bình luận