Đại biểu Quốc hội: Trẻ em cần được bảo vệ mạnh mẽ hơn

(VOH) - Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân lo lắng trước tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhận định, đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân. Do đó, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh, hàng năm cần có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho Điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị ngành Tư pháp cần xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.

Xem thêm: Nhiều người đồng tình với đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn lực trong tuyên truyền và thực thi pháp luật về trẻ em, có kế hoạch phân công, giám sát tổ chức, cá nhân và các địa bàn có nguy cơ xâm hại trẻ em cao để có những giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất.

Bình luận